Forbes: Samsung vẫn sẽ ổn khi người thừa kế bị bắt

Chỉ trong 6 tháng, Samsung vướng vào hai scandal chấn động: Galaxy Note 7 trên toàn cầu bị triệu hồi do phát nổ, và người thừa kế Tập đoàn Samsung - Jay Y. Lee bị bắt giữ với hàng loạt cáo buộc.
Jay Y. Lee là Phó chủ tịch Samsung Electronics và là người thừa kế của Tập đoàn Samsung. Ảnh: AP Jay Y. Lee là Phó chủ tịch Samsung Electronics và là người thừa kế của Tập đoàn Samsung. Ảnh: AP

Các công tố viên cho rằng ông Lee đã chi hàng chục triệu USD cho một quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil - bạn thân Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye, để được Chính phủ chấp thuận một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi. Thương vụ này được cho là sẽ củng cố quyền lực của ông tại đế chế đa ngành lớn nhất Hàn Quốc này.

Yonhap trích nhận định của một số nhà phân tích cho rằng sau sự việc này, Tập đoàn Samsung có thể phải ngừng các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Họ cũng được cho là sẽ ngừng quá trình tái cấu trúc với mục tiêu ban đầu là củng cố quyền kiểm soát của ông Lee. Bên cạnh đó, các thương vụ mua bán – sáp nhập cũng có thể bị treo một thời gian.

Tuy nhiên, Forbes cho rằng việc ông Lee bị bắt có thể là một bước tiến trong công cuộc cải tổ lại các tập đoàn gia đình (chaebol) hùng mạnh tại quốc gia này. Nó có nghĩa, việc này chưa hẳn đã là một điều xấu.

Daniel Gleeson - chuyên gia phân tích tại Ovum cho biết thời điểm toàn bộ hệ thống Samsung đang bị theo dõi sát sao này là cơ hội thích hợp cho những nhà đầu tư có ý định cải tổ cấu trúc doanh nghiệp cho hãng.

Hơn một năm nay, cổ đông của Samsung Electronics - quỹ đầu tư Elliott Management (Mỹ) đã kêu gọi công ty tách đôi, với một đóng vai trò sở hữu và một là công ty hoạt động. Quỹ này cho rằng việc đó sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp và việc đánh giá tài sản của công ty sẽ dễ dàng hơn. Elliot khẳng định động thái này sẽ mang lại giá trị khổng lồ cho các cổ đông. Samsung cũng đã đồng ý sẽ cân nhắc đề xuất này.

Samsung đang rất cố gắng để cải thiện mối quan hệ với các nhà đầu tư. Gần một năm trước, công ty đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Richard Windsor – nhà phân tích cấp cao tại Edison Research nhận xét rất nhiều công ty không thực sự mua lại cổ phiếu. "Họ mua xong rồi tung trở lại dưới dạng quyền chọn", ông cho biết.

Những ưu đãi dành cho nhà đầu tư này là lý do giúp giá cổ phiếu Samsung Electronics tăng hơn 60% năm qua. Trong khi đó, giá cổ phiếu Apple chỉ tăng 35% cùng kỳ. Ngay cả sau tin tức ông Lee bị bắt, giá cổ phiếu cũng chỉ giảm 0,4% hôm đó.

"Đây là thời điểm hoàn hảo để chia tách Samsung Electronics. Bình thường, đây là một trong những công ty lớn nhất và quyền lực nhất thế giới, nhúng tay vào rất nhiều lĩnh vực và có cấu trúc phức tạp, đồ sộ. Vì thế, chia tách là việc cực kỳ khó", Gleeson nhận xét.

Bên cạnh đó, các hoạt động của công ty, từ sản xuất điện thoại di động, màn hình OLED cho tới chế tạo chip đều hoạt động độc lập đến mức sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các vấn đề từ ban lãnh đạo cấp cao. Kể cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra là Phó chủ tịch Lee phải ngồi tù, hoạt động của Samsung Electronics cũng sẽ không chịu tác động nhiều.

Trước đó, họ cũng từng vượt qua cơn bão tương tự. Khi vào năm 2008, Chủ tịch Tập đoàn Samsung - Lee Kun-hee phải từ chức do vướng phải scandal lập quỹ đen.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục