Theo đó, FLC sẽ trả cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt theo nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên và bất thường năm 2017, cùng với đó là biên bản họp HĐQT ngày 30/10/2017.
Cụ thể, FLC sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 7 cổ phiếu mới). Tương đương FLC sẽ phát hành thêm hơn 44,66 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.
Như vậy, tổng số cổ phiếu FLC đang lưu hành sẽ tăng từ hơn 638 triệu cổ phiếu lên hơn 682,7 triệu cổ phiếu.
Cổ tức bằn tiền mặt được trả theo tỷ lệ 3%.
Thời gian thực hiện cùng thời điểm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức nêu trên (sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứn khoán Nhà nước về việc phát hành cổ phiếu).
Mới đây nhất tại Đại hội cổ đông bất thường 2017 vào ngày 23/10, FLC cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 149,5 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông của Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM (Nông sản FAM) nhằm sáp nhập Công ty này vào Tập đoàn.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phần theo thông báo sẽ là 1:1,07 (01 cổ phần FLC sẽ đổi lấy 1,07 cổ phần của FAM).
Như vậy, nếu tạm tính cả đợt phát hành trả cổ tức và 149,5 triệu cổ phiếu tới đây, tổng số cổ phiếu FLC sẽ tăng lên hơn 832,2 triệu cổ phiếu.
Giải thích về quyết định sáp nhập Nông sản Fam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT cho biết tại Đại hội rằng hoạt động này nằm trong hướng đi chiến lược của FLC nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khác của Tập đoàn.
Ông Quyết cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt các dự án nông sản có quy mô lớn tại các khu quần thể của FLC, bổ sung thêm nhiều quỹ đất dành riêng cho mảng nông sản. Việc sáp nhập sẽ tận dụng những dự án, những lợi thế và tiềm lực sẵn có của Fam giúp Tập đoàn phát triển".
FLC cũng vừa có Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 với doanh thu thuần ghi nhận đạt 2.177 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán gấp 2,3 lần cùng kỳ với gần 1.870 tỷ đồng.
Qua đó, lợi nhuận gộp đạt hơn 307 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng đột biến, lên 120 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, trong khi chi phí giảm nhẹ xuống 62 tỷ đồng.
Các chi phí hoạt động của Công ty đều tăng mạnh trong kỳ nên lợi nhuận sau thuế đạt 87,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý III/2016. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 86,1 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của FLC đạt hơn 5.200 tỷ đồng và đóng góp chính vẫn thuộc về mảng kinh doanh bất động sản với khoảng 2.900 tỷ đồng, tiếp theo là 1.800 tỷ đồng đến từ bán hàng hóa và 500 tỷ đồng cung cấp dịch vụ,
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đạt gần 230 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, tại thời điểm 30/9/2017, chỉ tiêu hàng tồn kho của FLC giảm mạnh từ 1.240 tỷ đồng xuống còn 346 tỷ đồng. Trong đó giảm mạnh nhất là hàng hóa bất động sản từ 993 tỷ đồng xuống 172 tỷ đồng.
Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng gần gấp đôi so với đầu kỳ lên mức 4.475 tỷ đồng, và chiếm tỷ trọng lớn nhất là Dự án Khu chức năng Đô thị Đại Mỗ và Dự án Công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại tại 256 Cầu Giấy, Hà Nội.
Tổng tài sản của FLC ở mức 20.776 tỷ đồng, tăng khoảng 2.878 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Nợ phải trả tổng cộng 12.217 tỷ đồng, trong đó 8.688 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và 3.528 tỷ đồng là nợ dài hạn.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu FLC giảm 5,4% xuống 6.340 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE với hơn 20,72 triệu đơn vị.