Fitch Ratings: Căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Fitch Ratings, sự gián đoạn đối với các tuyến đường vận chuyển ở Trung Đông có nghĩa là chặng đường cuối cùng của việc giảm lạm phát sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Fitch Ratings: Căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn

Kể từ cuối năm 2023, các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ đã phải đối mặt với các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi. Fitch Ratings dự báo điều này đã dẫn đến chi phí vận chuyển tăng hơn 150% trong năm nay, có thể làm tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào lạm phát cơ bản.

“Những mức tăng này có thể được phản ánh qua giá nhập khẩu tăng trong những tháng tới và thời gian vận chuyển kéo dài hơn sẽ làm giảm nguồn cung đầu vào trung gian và hàng tiêu dùng. Triển vọng về chi phí vận chuyển là không chắc chắn, nhưng một kịch bản hợp lý là chúng sẽ vẫn ở mức cao trong vài quý", báo cáo của Fitch Ratings cho biết.

Khi các hãng vận tải định tuyến lại tàu, ảnh hưởng của giá cước cao hơn sẽ không được thể hiện ngay lập tức trong các chỉ số lạm phát. Hiệu ứng này phải mất từ 8 đến 10 tháng mới xuất hiện trong chỉ số giá tiêu dùng, mặc dù giá nhập khẩu phản ánh những chi phí này trong vòng hai tháng.

"Điều này cho thấy lạm phát giá nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng 3,5 điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Sau đó, chúng tôi đã xây dựng mô hình về lạm phát hàng hóa cơ bản của Mỹ dựa trên giá nhập khẩu và Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu của Fed New York (GSCPI) và giả định chỉ số này tăng khiêm tốn… Điều này cho thấy giá hàng hóa cơ bản của Mỹ tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm sẽ tương đương với mức tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm cho lạm phát cơ bản”, báo cáo của Fitch Ratings cho biết.

Các nhà kinh tế từ lâu đã cảnh báo rằng giai đoạn cuối cùng của việc giảm lạm phát xuống mức mục tiêu của ngân hàng trung ương có thể là thách thức lớn nhất.

Tại Mỹ, sự gia tăng đáng ngạc nhiên trong báo cáo lạm phát tháng 1 đã làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra. Tuy nhiên, những người khác lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) miễn cưỡng nới lỏng chính sách tiền tệ cuối cùng có thể gây ra suy thoái kinh tế và sự gián đoạn thương mại không khiến quyết định của ngân hàng trung ương trở nên dễ dàng hơn chút nào.

Tuy nhiên, trong khi chi phí vận chuyển tăng gây thêm một khó khăn nữa, thì điều này sẽ không lặp lại như năm 2021. Trong năm đó, áp lực của đại dịch đã tàn phá chuỗi cung ứng, trong khi nhu cầu về hàng hóa và đầu vào sản xuất tăng cao.

Các ước tính được trích dẫn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy lạm phát đã tăng 1,5 đến 2 điểm phần trăm chỉ do chi phí vận chuyển hàng hóa trong năm đó. Tuy nhiên, lần này, Fitch Ratings cho biết mức tiêu thụ hàng hóa đang tăng trưởng vừa phải, trong khi chuỗi cung ứng rộng hơn gần như không bị hạn chế.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục