Với Nghị quyết HĐQT CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) ngày 17/4/2015, việc nâng sở hữu chi phối công ty này của CTCP Đầu tư F.I.T (mã FIT) chỉ còn là vấn đề thủ tục. Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT F.I.T cho biết, trong giai đoạn hiện nay, M&A là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng Công ty với mức chi phí thấp, và có ít nhất 2 DN đang nằm trong tầm ngắm của chiến lược này.
Kế hoạch tăng sở hữu tại Dược Cửu Long đến thời điểm này dường như đã thành công. Bước tiếp theo của Công ty trong việc đầu tư vào đây là gì thưa ông?
Thực ra, sau khi ký hợp tác toàn diện với Dược Cửu Long từ tháng 2/2015, F.I.T đã bắt đầu hỗ trợ toàn diện Dược Cửu Long trong công tác quản trị, nhất là quản trị hệ thống và quản trị tài chính, chiến lược phát triển mặt hàng, thị trường… Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải chờ đợi việc chính thức là cổ đông chi phối của Dược Cửu Long để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc công ty này.
Các nhà đầu tư theo dõi Dược Cửu Long lâu sẽ thấy, Dược Cửu Long sở hữu rất nhiều điểm mạnh, từ với nhà máy vỏ nang cứng (capsule) độc quyền tại Việt Nam, hệ thống nhà máy dược chất lượng cao với thương hiệu uy tín lâu năm và thị trường rộng khắp cả nước, nhà máy vật tư y tế…
Để làm được điều đó, Dược Cửu Long có những con người rất có năng lực, nhà máy tốt. Nhưng rõ ràng, năng lực tài chính chưa tốt, những điểm trừ về cách quản lý bán hàng, thu hồi công nợ… đã khiến Công ty không phát huy hết năng lực của mình. Và nhiệm vụ của chúng tôi là biến điểm mạnh của Dược Cửu Long trở nên mạnh hơn, phát huy hơn nữa năng lực cán bộ giỏi và khắc phục những điểm còn hạn chế để tạo sức bật mới cho Công ty.
F.I.T kỳ vọng Dược Cửu Long sẽ là TSC thứ 2 của Công ty trong thời gian tới, với sự "lột xác" hoàn toàn về cả quy mô và hiệu quả hoạt động.
Dược Cửu Long được kỳ vọng sẽ "lột xác" hoàn toàn về cả quy mô lẫn hiệu quả hoạt động
Xin ông cho biết, ngoài Dược Cửu Long, F.I.T có ý định thực hiện thâu tóm DN nào trong ngành này nữa không?
Song song với việc đầu tư vào Dược Cửu Long, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo F.I.T cũng thực hiện nghiên cứu và xúc tiến đàm phán phương án mua vốn cổ phần tại 1 DN ngành dược khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi mới có được sự đồng ý chuyển nhượng của các cổ đông sở hữu khoảng 40% vốn điều lệ, nên F.I.T vẫn đang trong giai đoạn thương thảo để có thể đạt được mục tiêu sở hữu trên 51% vốn điều lệ DN.
Đây là DN đã có quy mô doanh thu lên tới cả nghìn tỷ đồng, với nhiều nhóm sản phẩm tốt, có thể hỗ trợ Dược Cửu Long trong việc nâng cao chất lượng nhà máy, tiêu chuẩn công nghệ, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của thị trường trong ngành dược. Nếu M&A thành công, đây sẽ là 1 cú hích lớn cho F.I.T trong chiến lược đầu tư sâu vào ngành Dược.
Như vậy, liệu có một thương vụ M&A nào nữa của F.I.T với DN trong lĩnh vực thực phẩm không thưa ông? Dường như trong suốt năm qua, F.I.T đã để ý rất nhiều DN ngành này nhưng chưa được thành công lắm vì cạnh tranh giá mua quá lớn?
Đúng là trong thời gian qua, F.I.T đã để ý đến nhiều DN trong lĩnh vực này, nhưng việc mua bán không thành công vì các đối tác khác trả giá quá cao, thậm chí gấp nhiều lần mức giá mà F.I.T đã dự kiến mua.
Nhưng, lần này thì chúng tôi đã thành công. Hiện tại, F.I.T đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với một số cổ đông để có thể mua lại khoảng 60% vốn cổ phần và đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất thâu tóm, đây sẽ tiếp tục là một thương vụ đầu tư đáng chú ý của F.I.T không chỉ trên phương diện đầu tư sâu vào nhóm ngành nông nghiệp thực phẩm mà còn có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động hiện tại của công ty trực thuộc hệ thống.
Do chưa hoàn tất thủ tục nên tôi xin phép chưa nêu tên DN ở đây, nhưng, tôi có thể khẳng định đây là một doanh nghiệp có sản phẩm tốt, kinh doanh rất hiệu quả. Một điểm cộng lớn nữa của DN này cho mục tiêu phát triển của F.I.T là có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, sẽ tạo được sức mạnh cộng hưởng cho CTCP Chế biến thực phẩm Xuất khẩu miền Tây (Westfood, công ty con của TSC), do Westfood mới mạnh mảng xuất khẩu ra thị trường quốc tế và đang đẩy mạnh chiến lược phát triển mảng sản phẩm nội địa. Tôi tin rằng, sau thương vụ này, cơ hội tăng trưởng của cả Westfood lẫn DN mục tiêu lần này sẽ lớn hơn rất nhiều.
Dường như M&A đang là hoạt động trọng tâm của F.I.T giai đoạn này?
Đúng vậy. Như bạn cũng biết, chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh thoái vốn tại các lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải nắm chi phối. Đặc biệt, trong năm nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện hoàn tất thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành. Và tôi cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để M&A DN với chi phí hợp lý. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, đây là cuộc chơi không dành cho tất cả các NĐT. Bạn phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu các DN sẽ được thoái vốn để đưa ra các quyết định chính xác nhất. Thiếu đi bất kỳ yếu tố nào, sự thành công của bạn trong chiến lược này sẽ đến từ yếu tố may mắn nhiều hơn.
Với F.I.T, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu chiến lược tăng trưởng giai đoạn này là nhờ M&A kết hợp với tái cấu trúc. Chính vì thế, tìm kiếm danh mục doanh nghiệp mục tiêu, tăng cường năng lực tài chính, chuẩn bị phương án nhân sự và các kế hoạch tăng cường quản trị cho các DN mục tiêu… Bởi vì, nếu M&A giá rẻ và cơ hội tăng trưởng đột phá sau M&A sẽ là yếu tố tạo nên tăng trưởng kép hiệu quả đồng vốn cho các cổ đông, đúng với tiêu chí của F.I.T là luôn gia tăng giá trị cho cổ đông.
Vấn đề cuối cùng hiện nay là chốt DN phù hợp, đáp ứng các yếu tố lựa chọn của F.I.T như: có lợi thế kinh doanh nổi bật, hoạt động trong đúng lĩnh vực mà F.I.T hướng tới, có khả năng tăng trưởng cả về quy mô doanh thu và hiệu quả kinh doanh mạnh thông qua tái cấu trúc… Và bây giờ, chúng tôi đang chờ đợi hiện thực hóa kế hoạch này.