Thay đổi cách tiếp cận với thanh toán điện tử

(ĐTCK) Thanh toán chỉ là một vấn đề nhỏ trong câu chuyện người bán và người mua gặp nhau. Làm thế nào để người bán đồng ý thanh toán bằng điện tử đối với người mua hoặc ngược lại, mới là cốt lõi cho sự phát triển, không phải là công nghệ thanh toán nào phía sau. Đây là góc nhìn của ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPAY với Đặc san Ngân hàng xung quanh câu chuyện thanh toán điện tử ở Việt Nam. 
Thay đổi cách tiếp cận với thanh toán điện tử

Tại nhiều quốc gia, điển hình là Trung Quốc, việc chuyển từ thanh toán tiền mặt sang điện tử đã diễn ra trong một thời gian ngắn không tưởng nhờ áp dụng công nghệ. Theo ông, quá trình này sẽ diễn ra như thế nào tại Việt Nam?

Sự phát triển chóng mặt của thanh toán tiền mặt sang điện tử tại Trung Quốc khiến ngay cả các nước phát triển cũng phải kinh ngạc và xem xét kỹ lưỡng để học hỏi kinh nghiệm. Tuy mỗi một quốc gia có một đặc thù riêng, nhưng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là thanh toán điện tử, luôn có một điểm chung là cần tới công nghệ.

Ông Trần Trí Mạnh,

Dẫu vậy, công nghệ chỉ là điều kiện cần, bởi sự phát triển của thanh toán điện tử còn phụ thuộc vào sự phát triển chung của nền kinh tế, văn hoá, sự minh bạch, môi trường pháp lý và các ngành nghề khác phát triển song hành...  Các yếu tố này ràng buộc với nhau, một khi có sự cải thiện đồng bộ và mượt mà sẽ giúp thị trường phát triển nhanh hơn, và ngược lại, khi có nhiều chênh lệch, tiến trình sẽ chậm lại.

Ở Việt Nam, công nghệ thanh toán điện tử nói riêng có khả năng đáp ứng được sự bùng nổ của dịch vụ thanh toán hiện tại. Giờ đây, công nghệ thanh toán ở Việt Nam không khác biệt nhiều với Trung Quốc, thậm chí còn có một số điểm ưu việt hơn bởi Trung Quốc chỉ là ví điện tử thanh toán QR Code, trong khi Việt Nam có nhiều ngân hàng cùng tham gia chấp nhận thanh toán QR Code theo cùng một tiêu chuẩn quốc gia và có khả năng chấp nhận thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, sự bùng nổ thanh toán điện tử tại Việt Nam diễn ra trong 1, 2 năm hay 20 năm sau còn tuỳ thuộc vào các yếu tố song hành khác như tôi đã nói ở trên.

Có ý kiến cho rằng, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện khá “loạn”, vì có nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm ví điện tử và các loại ứng dụng (app) trên điện thoại. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Mỗi ứng dụng đem đến cho người dùng cuối những trải nghiệm, tiện ích khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Càng nhiều ứng dụng, sự lan toả đến người dùng càng lớn, càng tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, sức ép cạnh tranh sẽ dẫn tới hiện tượng sáp nhập hoặc đào thải, đó là quy luật bình thường.

Diễn biến thị trường hiện nay tương tự việc có nhiều thương hiệu cafe, hay điện thoại khác nhau cùng tồn tại, không thể coi đó là “loạn” ứng dụng, mà cần xem là sự phong phú và đa dạng trong việc hỗ trợ người dùng tiếp cận với phương thức thanh toán điện tử. Xét cho cùng, cạnh tranh giúp cho các doanh nghiệp tối ưu được quá trình quản lý, có nhiều sáng kiến để đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo ông, cần kết nối các cổng thanh toán dưới một hạ tầng chung hay tạo điều kiện cho một “anh cả” vượt lên để chiếm lĩnh thị trường, sau đó mới thống nhất?

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, cổng thanh toán là nơi kết nối, để các ứng dụng “nói chuyện” với nhau. Mỗi cổng thanh toán có một thế mạnh riêng, từ kết nối thẻ, kết nối tài khoản, cho tới thanh toán bằng QR, sau này sẽ là các cổng thanh toán mạnh về yếu tố sinh trắc học...

Hạ tầng thanh toán trong lĩnh vực thanh toán điện tử rất đa dạng do công nghệ mới luôn phát triển. Bởi vậy, cổng thanh toán nên có nhiều đơn vị tham gia. Doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, nhiều phương thức thanh toán phù hợp thì sẽ tồn tại và phát triển.

Sự cạnh tranh khiến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn, có trách nhiệm với người tiêu dùng hơn. Chẳng hạn, đã có Vietnam Airlines, sau đó có thêm VietJet, hay nhiều công ty hàng không khác vẫn rất tốt. Các doanh nghiệp này đều đang phát triển, người dân được hưởng lợi nhiều, nhất là người thu nhập thấp khi được tiếp cận dịch vụ hàng không.

Tại lĩnh vực thanh toán điện tử, với khối lượng giao dịch ngày càng khổng lồ của một quốc gia gần 100 triệu dân, cần có nhiều công ty chung tay để nâng cao năng lực xử lý giao dịch, không để xảy ra lỗi, nghẽn mạch tại bất kỳ thời điểm nào, gây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Đa dạng kích thích sự phát triển và cạnh tranh mới là môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó gia tăng đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thanh toán chỉ là một vấn đề nhỏ trong câu chuyện người bán và người mua gặp nhau. Làm thế nào để người bán đồng ý thanh toán bằng điện tử đối với người mua hoặc ngược lại, mới là cốt lõi cho sự phát triển, không phải là công nghệ thanh toán nào phía sau. Chúng ta đang đặt nặng vấn đề công nghệ thanh toán, cần phải thay đổi cách tiếp cận: Làm thế nào đem lại được lợi ích cho mọi người trong một chuỗi thương mại mới là điều quan trọng nhất.

VNPAY đang “đi” khá nhanh, ông có nghĩ Công ty sẽ trở thành Alipay thứ hai?

VNPAY không quan tâm đến việc chúng tôi sẽ lớn mạnh tới chừng nào. Điều Công ty để ý là các sản phẩm cung cấp cho thị trường có được mọi người chấp nhận hay không. Sự ổn định, chất lượng dịch vụ, khơi gợi những nhu cầu mới của khách hàng là những vấn đề VNPAY chú trọng.

Ông từng nói: “Mục tiêu của VNPAY là luôn tạo ra những giá trị chất xám, mang tính đột biến cho xã hội”. Hơn 12 năm thành lập, nếu nói về sản phẩm mang tính đột biến của VNPAY, ông sẽ kể câu chuyện gì?

Doanh nghiệp nào cũng mong muốn tạo ra sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao và mang giá trị đột biến cho xã hội. Với VNPAY, Công ty có một số dịch vụ dẫn dắt thị trường, trở thành một xu thế cho xã hội, cụ thể như là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại trên nền tảng SMS, sau này là Mobile và Internet. Số tiền khách hàng nạp được trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, giúp người dùng nạp tiền điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Ngày nay, dịch vụ này trở thành phổ biến và nghiễm nhiên phải có để cung cấp cho khách hàng.

VNPAY là đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ SMS banking, rất đời thường nhưng ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu đối với khách hàng có tài khoản tại ngân hàng.

Công ty là đơn vị đưa ra xu hướng mới cho mobile banking, đó là xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu thường ngày của khách hàng. Không chỉ xoay quanh một số chức năng tương tự tài khoản ngân hàng, chúng tôi giúp khách hàng có thể mua vé máy bay, vé tàu, tìm địa điểm quán ăn, siêu thị... gần nhất. Những hệ sinh thái này đã góp phần làm tăng trưởng vượt bậc số lượng khách hàng sử dụng mobile banking của ngân hàng trong vài năm qua.

Đặc biệt, năm 2018, VNPAY đã cung cấp cho ngân hàng giải pháp thanh toán bằng QR, các khách hàng sử dụng ứng dụng mobile banking của ngân hàng và các ví điện tử đều có thể thanh toán cho các đơn vị bán hàng thông qua mã VNPAY QR. Thanh toán qua mã VNPAY QR giúp giảm bớt rất nhiều chi phí thiết bị và tiếp cận đến loại hình kinh doanh nhỏ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán bằng mã VNPAY QR giúp cho các đơn vị bán hàng có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng, biến mọi bề mặt trở thành nơi bán hàng.

VNPAY là đơn vị đưa ra hình thức thanh toán mới cho các web thương mại điện tử, đó là cổng thanh toán đầu tiên tích hợp mã VNPAY QR thay cho việc điền số thẻ hay tài khoản ebank.

VNPAY đã trải qua chặng đường 10 năm. 10 năm tới của VNPAY trong hình dung của ông sẽ như thế nào?

VNPAY tự hào là đơn vị duy nhất tại Việt Nam cung cấp công nghệ thanh toán hiện đại ra các nước trong khu vực. Chúng tôi hy vọng một số sản phẩm 4.0 do VNPAY phát triển trong tương lai không chỉ được tin yêu ở Việt Nam mà sẽ có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Công nghệ thay đổi rất nhanh và cơ hội không bay ngang qua để ta có thể chớp lấy. Đối với ngành công nghệ, cơ hội là chuỗi những ngày tìm tòi, sáng tạo và đổi mới. Những năm tới, chúng tôi vẫn mong muốn sáng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để giúp cho xã hội ngày càng tốt hơn.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục