Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy phát triển đô thị thông minh

(ĐTCK) Trước sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động của cuộc cách mạng này đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển TP.HCM nói riêng trở thành thành phố thông minh nhằm mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy phát triển đô thị thông minh

Dưới góc độ ngân hàng và trong quá trình phát triển này, việc mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các giải pháp thiết thực không chỉ mang lại tiện tích tốt nhất cho người dân trong sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển đô thị thông minh theo hướng cung ứng và đáp ứng tốt dịch vụ công cho người dân, thông qua việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thuộc lĩnh vực này. 

Phát triển thanh toán không tiền mặt lĩnh vực công

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt gắn với quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM. 

Các dịch vụ thanh toán đã và đang trở thành xu hướng sử dụng phổ biến và ngày càng mở rộng như: Dịch vụ thẻ; chuyển tiền điện tử; internet banking; mobile banking… cũng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh phát triển trong thanh toán dịch vụ công của thành phố, với kết quả đạt được bước đầu tích cực trên một số lĩnh vực cụ thể.

Thứ nhất, mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2018, có 584 cơ sở giáo dục đã lắp đặt máy POS với 836 POS, số giao dịch thanh toán bằng thẻ qua POS tăng khoảng 20% mỗi quý.

Riêng đối với hệ thống các trường phổ thông công lập, NHNN TP.HCM tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM triển khai mở rộng Đề án thẻ học đường tới các trường phổ thông trên Thành phố. Riêng trong lĩnh vực y tế, hiện có hơn 490 cơ sở y tế đã lắp đặt máy POS với khoảng 733 máy.

Thứ hai, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách.

Việc chi tiêu trong lĩnh vực công trên địa bàn đã sử dụng phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đối với những khoản thu, chi theo quy định. Trong đó, các khoản thanh toán lương, điện, nước, điện thoại, chi phí công tác, thù lao… đã sử dụng 100% hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Riêng đối với hoạt động thanh toán tiền điện, nước đã có những kết quả rất tích cực không chỉ ở lĩnh vực công, đơn vị hành chính sự nghiệp, khu vực nhà nước mà còn được mở rộng trên toàn Thành phố.

Đến cuối năm 2017 đã có 16/16 Công ty Điện lực không còn tổ chức thu tiền điện tại nhà, do đó tỷ lệ thu tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian đạt 97,98% về số khách hàng.

Trong khi đó, đối với thanh toán tiền nước qua ngân hàng, mặc dù việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thấp hơn, song xu hướng thu qua ngân hàng và công ty trung gian thanh toán cũng tăng dần và tăng trưởng tốt, với tốc độ tăng trưởng đạt 63%/năm về số lượng giao dịch. Các công ty cấp nước thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đang đẩy mạnh việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu tiền sử dụng nước trong thời gian tới.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý thuế và thu chi bảo hiểm xã hội. Trong quá trình này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế tại các quận huyện, bảo hiểm xã hội thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thu thuế, thu phí và thu chi bảo hiểm xã hội. Trong đó, đã có 23 Kho bạc Nhà nước quận, huyện lắp đặt máy POS để thanh toán thuế, phí qua hình thức cà thẻ.

Việc nộp thuế điện tử trên địa bàn cũng tăng trưởng tốt. Đến năm 2017, số doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử thành công đạt 163.450 doanh nghiệp, chiếm 83,5% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, với tổng số tiền đạt hơn 85 nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp mới thành lập 100% đều đăng kí thực hiện kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử. Trong khi đó, thu bảo hiểm xã hội qua ngân hàng chiếm khoảng 80% trên tổng số tiền thu, các khoản thu BHXH, BHYT bắt buộc .

Thứ tư, phối hợp mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của Thành phố: Hiện ngành ngân hàng Thành phố, trong đó có VietinBank đang phối hợp với các sở: Y tế, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư và sở thông tin và truyền thông để triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 nhằm tạo tiện ích tối đa cho người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ công của Thành phố. 

Tăng cường các giải pháp công nghệ

Việc mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt gắn với thanh toán dịch vụ công nói chung và dịch vụ công trực tuyến nói riêng là một trong các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, góp phần thúc đẩy và phát triển đô thị thông minh của Thành phố theo xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, phát triển thành phố thông minh, quốc gia thông minh nhằm mang lại cuộc sống tốt nhất, chất lượng nhất cho người dân trên tất cả các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, giao thông đi lại, thông tin, văn hóa xã hội… đến việc cung cấp và đáp ứng nhu cầu về dịch vụ công.

Trong quá trình đó, những kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở nền tảng để mở rộng và phát triển dịch vụ công trực tuyến, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử…, giúp tối đa hóa lợi ích cho người sử dụng, cho người dân trong quá trình phát triển đô thị thông minh.

Để tiếp tục thực hiện tốt điều này, cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp và định hướng phát triển sau.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ tiện ích nhất, ứng dụng công nghệ hiện đại với khả năng kết nối, liên kết cao, an toàn và bảo mật, đảm bảo người dân, khách hàng sử dụng các phương tiện điện tử thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) thuận tiện, dễ dàng và đơn giản trong thanh toán hoặc sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác mọi lúc, mọi nơi phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại công nghiệp 4.0.

Thứ hai, mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công, đảm bảo 100% các đối tượng thu chi ngân sách, các đối tượng theo quy định thuộc lĩnh vực công thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó sử dụng phổ biến hơn các dịch vụ thẻ, internet banking, mobile banking… trong hoạt động thanh toán bởi sự tiện ích, tiện lợi của dịch vụ này.

Thứ ba, tăng cường các giải pháp công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt gắn với bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật. Đây là giải pháp bắt buộc và luật định đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, tổ chức kết nối và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, đi lại và cung cấp thông tin… nhằm tạo tiện ích tối đa cho người dân.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn Thành phố;

Thực hiện tốt chương trình đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng đối với lĩnh vực ngân hàng nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, đồng thời phát triển đô thị thông minh trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục