Quản lý FinTech thận trọng, dẫn tới phát triển... tự do!

(ĐTCK) Có ý kiến cho rằng, Việt Nam quá thận trọng khi xây dựng chính sách quản lý các doanh nghiệp công nghệ tài chính (FinTech) nên nhiều hoạt động đang bị bỏ ngỏ, dẫn tới phát triển… tự do. 
Quản lý FinTech thận trọng, dẫn tới phát triển... tự do!

Quy chế quản lý: Vẫn đợi và chờ

Việt Nam có gần 150 doanh nghiệp FinTech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đạo trong hoạt động FinTech vẫn là thanh toán, ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…

30 tổ chức trung gian thanh toán đã được cấp phép, phần lớn là tổ chức ví điện tử (27), cổng thanh toán điện tử (26), hỗ trợ thu hộ chi hộ (26), chuyển tiền điện tử (9). Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán của các ngân hàng thương mại cũng rất mạnh, ứng dụng công nghệ mới.

Vậy nhưng, ông Ngô Văn Ðức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ, đến nay, khuôn khổ pháp lý đối với FinTech hầu như chưa có, đặc biệt là quy chế quản lý, cũng chưa có luật hay nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý về FinTech.

Lĩnh vực FinTech rất rộng nên nhiều mảng hoạt động chưa có quy định pháp lý, chẳng hạn tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money).

Hiện trên thị trường có hai hình thức Mobile Money, một là hoạt động như một ví điện tử (có tài khoản ở ngân hàng), hai là dùng tài khoản viễn thông để thanh toán (không qua hệ thống ngân hàng).

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép các nhà mạng thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money là dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ.

Hai tập đoàn là Viettel và VNPT đã làm thủ tục xin cấp phép triển khai dịch vụ Mobile Money, tuy vậy, hiện vẫn chưa có quy định pháp lý về Mobile Money.

Ông Varun Mittal, Phó chủ tịch Hiệp hội FinTech Singapore, Giám đốc phụ trách tư vấn dịch vụ FinTech, EY khu vực Ðông Nam Á cho biết, một trong những điểm khác biệt chính trong cấu trúc FinTech của Singapore là khung pháp lý cho các nhóm khác nhau nên việc tuân thủ cũng khác nhau.

Cụ thể, cơ chế quản lý ở Singapore phân loại theo các hoạt động như cấp tài khoản; chuyển tiền trong nước, ngoài nước; phát hành tiền điện tử, tiền ảo (không phải bitcoin).

Singapore đã phân làm 4 cấp độ khác nhau tương đương 4 phần khung quy định về tuân thủ pháp lý và đánh giá về rủi ro công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng, tương tác liên thông.

“Giống như các quốc gia khác, Singapore cũng quan ngại những vấn đề như khách hàng mất tiền, rủi ro công nghệ, nạn rửa tiền, sự manh mún. Ðây là quan ngại chung của các nhà quản lý và cần phải tạo ra cơ cấu để giải quyết nhu cầu như vậy. Singapore mất hơn 1 năm để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, khi doanh nghiệp làm trong lĩnh vực gì chỉ cần tra cứu sẽ biết những luật nào đang áp dụng và quản lý như thế nào”, ông Varun Mittal chia sẻ.

Nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trung gian thanh toán có khuôn khổ pháp lý từ năm 2008, các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử đầu tiên đã được cấp phép thí điểm và chính thức với Nghị định 101/2012/NÐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt được ban hành.

“Tuy nhiên, quản lý FinTech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán, mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchains hay các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata), cũng như quản lý tài chính cá nhân”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.

Trên thế giới, thời gian thử nghiệm cơ chế này cho FinTech thông thường 6 tháng, còn tại Việt Nam, quá trình này có thể từ 1 - 2 năm, tùy từng trường hợp cụ thể. NHNN và doanh nghiệp sẽ thảo luận về phạm vi địa lý, hạn mức giao dịch, số lượng khách hàng tham gia dịch vụ và thời gian mong muốn thử nghiệm.

Trong quá trình thử nghiệm, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo để được giám sát tới khi hết thời gian thử nghiệm, khi mô hình thành công sẽ được chính thức hóa, góp phần hạn chế những rủi ro do thiếu quy định quản lý gây ra.

Về Mobile Money và đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ này, đại diện Vụ Thanh toán cho hay, tháng 4/2019, NHNN đã trình Chính phủ đề án thí điểm Mobile Money của Viettel và VNPT.

Trong đó, NHNN đưa ra định nghĩa, Mobile Money về bản chất là eMoney - ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng, tài khoản định danh điện tử tương ứng với số tiền khách hàng nạp vào.

“Tới đây, NHNN sẽ quy định cho phép được nạp tiền từ tiền mặt vào ví điện tử với một hạn mức nhất định, hạn mức này sẽ tương tự như viễn thông để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, ông Sơn thông tin.

Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp FinTech phát triển, đó là quy mô dân số 96,2 triệu người. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu người, chiếm 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính. 

Định hướng của NHNN trong giai đoạn 2019 - 2020 là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, đặc biệt thanh toán điện tử; hoàn thiện cơ chế quản lý thử nghiệm cho doanh nghiệp FinTech sau khi Thủ tướng thông qua đề án; tiếp tục nghiên cứu và xây dựng cơ sở pháp lý cho vay ngang hàng; xây dựng thông tư về giao diện lập trình mở OpenAPI; sửa đổi quy định xác thực khách hàng điện tử…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục