Ngân hàng Nhà nước: Sẽ đánh giá rủi ro mô hình cho vay ngang hàng

(ĐTCK) Tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng (P2P) do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cảnh báo những rủi ro của mô hình ứng dụng công nghệ kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay này.
Ngân hàng Nhà nước: Sẽ đánh giá rủi ro mô hình cho vay ngang hàng

Ông Maurizio Raffone, Giám đốc Công ty Finetiq Ltd đã khái quát lại rủi ro của mô hình P2P qua câu chuyện của thị trường P2P lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Ngay sau khi Công ty P2P đầu tiên được thành lập tại London vào năm 2005, mô hình cho vay này đã xuất hiện tại Trung Quốc với sự ra đời của Công ty Creditease vào năm 2006. Đến tháng 1/2017, đã có tổng cộng 2.400 công ty P2P tại Trung Quốc với khối lượng giao dịch năm 2016 đạt 2.000 tỷ Nhân dân tệ.

Theo ông Maurizio Raffone, có ba lực đẩy chính khiến thị trường P2P tại Trung Quốc phát triển bùng nổ. Thứ nhất, lượng người sử dụng internet rất lớn.

Năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 730 triệu người sử dụng internet, nhiều hơn số người tại Mỹ và châu Âu cộng lại. Tỷ lệ người dùng trực tuyến tại Trung Quốc đạt 53,2%, vượt qua số bình quân toàn cầu là 3,1% và số bình quân của châu Á là 7,6%. Năm 2015, Trung Quốc đã đóng góp 42,8% doanh thu thương mại điện tử so với 22,2% của Mỹ và con số này dự đoán sẽ đạt 59,5% vào năm 2020.

Thứ hai, lợi nhuận đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, lãi suất cho vay trực tuyến đưa ra lợi nhuận cao hơn, ví dụ khoảng 10% năm 2016 so với 1,5% lãi suất tiền gửi tiết kiệm cơ bản cho 1 năm.

Thứ ba, nhu cầu vốn từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu của EY và DBS cho thấy, chỉ có 20 - 25% các khoản vay ngân hàng cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù khu vực này đóng góp 60% GDP, sử dụng 80% lao động thành thị và đóng góp 50% doanh thu cho tài khóa và thuế.

Rủi ro của mô hình này bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 khi các công ty P2P đã nhận 7,6 tỷ USD từ khoảng 900.000 nhà đầu tư, nhưng cũng trong năm này, đã xuất hiện 21 vụ bắt giữ với hơn 95% dự án là giả mạo.

Tới tháng 6/2018, quy mô cho vay của các công ty này đã lên tới 1.300 tỷ Nhân dân tệ. Và đến tháng 7/2018, sau vụ đột kích Công ty cho vay P2P Tourongjia,  thông tin được Chính phủ nước này đưa ra là Chủ tịch Tourongjia đã mất tích, 13 nghi phạm bị bắt giữ và không bồi thường cho các nhà đầu tư…

Một thực tế được ông Maurizio Raffone chỉ rõ, từ năm 2006, P2P tại Trung Quốc phát triển mạnh nhưng không có quy định quản lý cho đến năm 2016.

Các công ty chỉ đăng ký với văn phòng thương mại và ngành địa phương, mở các trang web thu hút những người đi vay và cho vay, mà không có tiêu chuẩn chính thức và công bố thông tin và không có quy định quản lý chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hoặc cơ quan quản lý ngân hàng (CBRC).

Cho đến ngày 24/8/2016, Chính phủ Trung Quốc mới công bố quy định các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin P2P thì trước đó, đã rất nhiều công ty P2P lending sụp đổ do lợi dụng hình thức này để lừa đảo nhà đầu tư.

Tiếp đó, đến tháng 12/2017, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và CBRC cùng ban hành các quy định mới đối với P2P lending. Các quy định quản lý mới được đưa ra đã làm giảm số lượng công ty đang hoạt động xuống còn khoảng 3.500 công ty.

Tại Việt Nam, những dòng quảng cáo hấp dẫn “Vay tiền nhanh trong 30 phút mà không cần gặp mặt”, “Đầu tư lãi suất 20%/năm” từ những công ty P2P bắt đầu trở nên phổ biến…

Ông Eric Sigwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cảnh báo, hình thức cho vay này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên có liên quan.

Tại Việt Nam, hoạt động P2P chưa có khuôn khổ pháp lý, quy định quản lý cụ thể. NHNN đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động P2P.

 - PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN, Trưởng ban chỉ đạo Công nghệ tài chính tại NHNN

Do vậy, các cơ quan quản lý Việt Nam cần thiết phải giám sát chặt chẽ lĩnh vực này nhằm hạn chế những rủi ro và nâng cao nhận thức của các bên liên quan nhận thức. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách phải cân đối giữa đổi mới và sự hợp lý về mặt tài chính.

“Với sự nổi lên của FinTech, mô hình P2P là xu hướng mới trên thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhiều quốc gia cũng phát triển công nghệ FinTech, khuyến khích thử nghiệm FinTech với sự giám sát, quản lý nhà nước cần thiết và hỗ trợ trước khi có sự triển khai đầy đủ”, ông Eric Sigwick nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN, Trưởng ban chỉ đạo Công nghệ tài chính tại NHNN cho biết, tại Việt Nam, hoạt động P2P chưa có khuôn khổ pháp lý, quy định quản lý cụ thể để thích ứng với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, mô hình, giải pháp sáng tạo vào ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính.

Việc thiếu vắng quy định như trên một phần do P2P là một mô hình rất mới đối với Việt Nam, không thể sử dụng các quy định hiện hành về quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng để áp dụng vào mô hình mới này.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN nhận thức được những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của hoạt động này và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động P2P”, TS. Kim Anh nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục