Ngân hàng chiếm thị phần bằng đầu tư công nghệ mới

(ĐTCK) Cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phải được cải tiến, bởi đây chính là "chìa khóa" để các nhà băng cải thiện thị phần, gia tăng doanh thu. 
Ngân hàng chiếm thị phần bằng đầu tư công nghệ mới

Với ngân hàng số, chi phí giao dịch giảm 86%...

Phát biểu tại Hội thảo “Đột phá từ số hoá Ngân hàng” diễn ra ngày 16/5 tại TP.HCM, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, ngân hàng số (digital banking) là một trong những xu thế tất yếu hiện nay và có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam.

Theo ông Dũng, tác động của cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị điều hành của các ngân hàng theo hướng tinh gọn, tự động, thông minh. Đồng thời, việc các ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, tăng cường đổi mới, sáng tạo và mở rộng hợp tác, cũng như thay đổi hoàn toàn kênh phân phối theo hướng số hóa, đa kênh đồng nhất (Omni-Chanel) đòi hỏi tái thiết kế các sản phẩm, dịch vụ theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm.

"Việt Nam có nền tảng để phát triển ngân hàng số khi cả nước có 18.500 máy ATM, 270.000 máy POS, 41 ngân hàng triển khai Mobile Banking. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng giao dịch năm 2018 thông qua Internet là 255 triệu lượt, giá trị tương ứng 16 triệu tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2017; giá trị giao dịch thông qua điện thoại là 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 169%", ông Dũng thông tin.

Theo các ngân hàng, sức mạnh của chuyển đổi số là tạo ra một lõi kỹ thuật số (digital core). Đây là nền tảng cho sự phát triển ngân hàng số, giúp mở rộng giao tiếp với hệ sinh thái số của khách hàng và các công ty FinTech qua các giao diện chương trình ứng dụng (APIs).

Thực tế cho thấy, các ngân hàng Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thông qua 2 cách, đó là tự đổi mới, xây dựng hệ thống công nghệ ngân hàng số, hoặc tăng cường hợp tác với các công ty FinTech để tận dụng khả năng, thế mạnh của đôi bên. Một số ngân hàng đã đổi mới hệ thống, triển khai dịch vụ ngân hàng sáng tạo như TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn, VietinBank với Corebank thế hệ mới, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot...

Chia sẻ lý do các ngân hàng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ông Dũng cho biết, bên cạnh là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, việc áp dụng ngân hàng số sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí giao dịch.

"Chi phí giao dịch truyền thống hiện đạt khoảng 60-70 USD/khách, trong khi chi phí qua ngân hàng chỉ là 8-10 USD/khách, tức giảm khoảng 86%", ông Dũng cho hay. 

... Nhưng chưa nhiều người dùng quan tâm

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện Vietcombank cho biết, khách hàng đang dành nhiều thời gian hơn để tương tác online. Chính vì vậy, 94% ngân hàng Việt Nam đang đầu tư vào việc chuyển đổi số, trong đó khoảng 40% nhà băng coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh, song phần lớn ngân hàng mới chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu chưa nhiều.

Mặt khác, tuy thời gian tương tác trực tuyến đã tăng lên, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều tới những cải tiến số hoá từ các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Theo bà Hằng, hiện mới có khoảng 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.

Tuy thời gian tương tác trực tuyến đã tăng lên, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều tới những cải tiến số hoá từ các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Hiện mới có khoảng 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.   

Ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối Công nghệ của OCB cho rằng, cuộc chiến về công nghệ chính là cuộc chiến thị phần. Nếu không đầu tư công nghệ thì ngân hàng khó có thể cải thiện được thị phần.

“OCB triển khai nền tảng công nghệ mới bởi đây là giải pháp tốt nhất để Ngân hàng chiếm lĩnh thị phần. Giá trị mang lại cho OCB khi đầu tư vào công nghệ là tiết kiệm chi phí. OCB tiết kiệm được 60% chi phí hoạt động nhờ mạnh tay đầu tư công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động khác”, ông Vũ thông tin.

Tại ACB, nền tảng công nghệ cũng là chiến lược được Ngân hàng phát triển bằng cách từng bước chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, cũng như đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.

"Để chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2020-2024, mỗi năm ACB đầu tư khoảng 30-35 triệu USD vào hệ thống công nghệ. Mục tiêu đầu tiên của chiến lược này là cải thiện hiệu suất công việc, mà cụ thể là giúp giảm nguồn nhân lực, giảm giấy tờ, thủ tục và nâng cao chất lượng dịch vụ", lãnh đạo ACB cho hay.

Tương tự, tại ACB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ, với sự đầu tư mạnh vào công nghệ, SCB sẽ có điều kiện tốt nhất để phục vụ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Với MoMo, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty cho biết, chỉ 5 năm trước đây, việc một công ty FinTech đặt vấn đề hợp tác với ngân hàng là rất khó khăn, nhưng thời gian gần đây đã dễ dàng hơn nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã hợp tác với 20 ngân hàng trong nước.

Trả lời câu hỏi thị trường FinTech Việt có phân mảng hay không, ông Đức cho hay, nếu có phân tầng thì ắt sẽ phân mảng, bởi trên thực tế, chỉ có khoảng 5-6 ví điện tử thực sự phát triển. Theo ông Đức, lĩnh vực thanh toán điện tử sẽ khó phát triển nếu không có nhiều người dùng, vì muốn có được 1% doanh thu từ thanh toán điện tử trong tổng doanh thu thì tương đương một ví điện tử phải có hàng triệu người dùng, bên cạnh một yếu tố quan trọng khác là ưu tiên của các ngân hàng trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ.

"Các công ty FinTech chính là cánh tay nối dài của ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán đang lấy ý kiến, có một số điều khoản là rào cản, gây khó khăn cho các FinTech. Nếu hành lang pháp lý không hỗ trợ, thì không chỉ FinTech, mà ngân hàng cũng gặp khó trong việc triển khai chủ trương phi tiền mặt của Chính phủ", ông Đức nêu quan điểm.

Về phía ngân hàng, ông Lê Anh Dũng cho rằng, chủ thể này cũng chịu nhiều thách thức khi chuyển đổi số như thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo, sự sẵn sàng hợp tác và cạnh tranh với FinTech… Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển ngân hàng số bao gồm thay đổi mô hình tổ chức, quản trị; lấy khách hàng làm trung tâm; thiết kế sản phẩm, dịch vụ, an toàn, bảo mật và nguồn nhân lực được đầu tư, đào tạo thường xuyên...

"Một khi công nghệ lan tỏa và ngân hàng số được đầu tư mạnh mẽ, sẽ kéo theo sự phát triển của vô vàn các kết nối mở, đa chiều, liên tục và phức tạp, dẫn tới rủi ro an ninh mạng gia tăng. Do đó, hạ tầng thị trường tài chính, trong đó có hệ thống thanh toán, cần phải thay đổi để thích ứng. Đồng thời, nguồn nhân lực ngành ngân hàng cũng phải thay đổi theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và tinh thông nghiệp vụ", ông Dũng nhấn mạnh.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục