MoMo: “Đối thủ” lớn nhất là tiền mặt trên thị trường

(ĐTCK) Giai đoạn hiện nay là thời điểm khởi động của thị trường, các ví điện tử đang tập trung thu hút và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Do đó, áp lực mà MoMo, cũng như các ví điện tử khác phải đối mặt là sự cạnh tranh từ tiền mặt trên thị trường thanh toán. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo.
Ông Nguyễn Bá Diệp và ông Dmitry Mosolov - Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam trò chuyện về các tính năng mới của Ví MoMo. Ông Nguyễn Bá Diệp và ông Dmitry Mosolov - Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam trò chuyện về các tính năng mới của Ví MoMo.

Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán. Theo ông, số lượng như vậy đã đủ hay vẫn còn ít đối với thị trường Việt Nam?

Theo thông tin mới nhất thì Việt Nam đã có 27 ví điện tử được cấp phép hoạt động. Con số này theo tôi là quá đủ cho một thị trường có quy mô như Việt Nam hiện nay. 

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo.

Có thể khẳng định, thanh toán qua ví điện tử đang ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đáng ghi nhận, vẫn còn những vấn đề cần cải thiện.

Ví dụ câu chuyện về việc cộng đồng liên kết ví điện tử tại Việt Nam chưa có tính hợp tác về dịch vụ, chưa có sự liên thông hệ thống thanh toán ví điện tử như hệ thống thẻ ngân hàng, dẫn đến sự phân mảng, rời rạc trong dịch vụ ví điện tử. Ông có thể chia sẻ gì về vấn đề này?

Thanh toán qua ví điện tử đang trong giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam. Chúng ta nhận thấy rằng, các đơn vị cung cấp ví điện tử đều đang ở giai đoạn xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường và thu hút người dùng dịch vụ. Do đó, việc các ví điện tử chưa quan tâm đến yếu tố liên kết với nhau để có tiếng nói chung cũng là bình thường.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia về thanh toán, thị trường Việt Nam sau giai đoạn phát triển bùng phát sẽ chỉ còn lại 3 - 4 đơn vị có thị phần đủ lớn để tồn tại. Vượt qua giai đoạn sàng lọc của thị trường, tôi tin rằng, các ví điện tử sẽ cùng hợp tác và liên kết với nhau để có tiếng nói chung và định hướng thị trường. Việc này tương tự diễn biến của quá trình phát triển thị trường thông tin di động trước đây.

Có một số ý kiến cho rằng, các ví điện tử nên liên thông dịch vụ với nhau tương tự các ngân hàng đã thực hiện cho hệ thống thẻ, theo tôi đây là một cách đặt vấn đề hết sức thú vị. Tuy nhiên, thực tế là toàn bộ các khách hàng dùng ví điện tử đều có tài khoản ngân hàng và họ có thể thực hiện các dịch vụ cơ bản trên tài khoản ngân hàng một cách dễ dàng.

Ví điện tử trong trường hợp này được coi như một công cụ nối dài của tài khoản nhằm hỗ trợ cho việc thanh toán nhỏ lẻ. Hiện tại, đa số khách hàng sử dụng ví điện tử để thanh toán, mua sắm trong một phạm vi nhất định, vì vậy, các ví điện tử sẽ tùy theo nhu cầu của phân khúc khách hàng để phát triển thêm các dịch vụ phù hợp.

Việc phát triển những dịch vụ đặc biệt phục vụ cho phân khúc khách hàng của mỗi ví chính là yếu tố khác biệt hóa và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, việc liên thông và chia sẻ các dịch vụ mũi nhọn của mình với các ví khác, không phải là một lựa chọn hợp lý. Ngay trên thế giới, tôi cũng chưa thấy mô hình các ví điện tử hay trung gian thanh toán liên thông dịch vụ với nhau, ví dụ Visa Card hay Master Card không có liên kết, tại Trung Quốc, ví Wechat Pay và Alipay cũng vậy, tương tự đối với Apple Pay và Paypal ở Mỹ.

Trong trường hợp chúng ta mong muốn có một hệ thống thanh toán liên thông dịch vụ giữa các ví, thì cần một đơn vị có chức năng đứng ra chủ trì và phối hợp với các ví, chẳng hạn là NAPAS.

Trong đó, NAPAS sẽ triển khai kết nối các dịch vụ và chia sẻ cho toàn thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến toàn bộ các ví đều có dịch vụ như nhau, không có sự khác biệt và thị trường chỉ cần một ví là đủ, không cần đến 27 công ty khác nhau. Ngoài ra, sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ bảo mật, chi phí trên mỗi giao dịch cũng sẽ tạo ra rào cản cho việc liên thông dịch vụ giữa các ví.  

Một vấn đề được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm, đồng thời là rủi ro lớn nhất của ví điện tử là tính bảo mật. Dù các đơn vị cung cấp ứng dụng đều cố gắng thiết lập các lớp bảo vệ tối ưu nhất, nhưng những sự cố như mất điện thoại hoặc bị đánh cắp thông tin là điều khó tránh. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Liên quan đến bảo mật cho ví điện tử, tôi thấy rằng, các đơn vị cung cấp dịch vụ đều rất quan tâm và đầu tư nghiêm túc vào công việc này, vì nó đóng vai trò quan trọng và sống còn.

Đối với Ví MoMo, ngoài việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi là một trong rất ít các đơn vị tại Việt Nam đang đáp ứng bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất trong ngành tài chính ngân hàng là Chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS (Payment Card Indutry Data Security Standard). Tại Việt Nam, Ví MoMo là đơn vị ví điện tử có chứng chỉ mức độ cao nhất là PCI DSS - Level 1. 

Tôi tin rằng, trong 3 năm tới, việc thanh toán điện tử sẽ phổ biến và đẩy lùi việc dùng tiền mặt. Mặc dù thị trường có thể rất sôi động với sự góp mặt của các ví điện tử nước ngoài, nhưng các ví điện tử của Việt Nam vẫn đủ khả năng đứng vững và chiếm lĩnh thị trường nội địa

- Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví MoMo 

Để bảo vệ khác hàng, Ví MoMo đang áp dụng các công nghệ xác thực tiên tiến, có tính bảo mật cao như: Xác thực hai lớp (2-Factor Authentication); Xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; Bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS; Mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization)...

Nếu tuân thủ đúng các quy định về bảo mật, ngay cả trường hợp bị mất điện thoại, khách hàng vẫn được bảo đảm an toàn, không ai có thể truy cập được ví điện tử.

Tuy nhiên, khách hàng phải lưu ý không cung cấp các thông tin cá nhân, mật khẩu truy cập ví, mã OTP cho bất kỳ ai để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Các đối tượng lừa đảo thường tìm cách chiếm đoạt các thông tin trên từ khách hàng thông qua nhiều cách thức khác nhau, kể cả việc giả làm người của ví điện tử hoặc các cơ quan công quyền, vì vậy khách hàng phải hết sức lưu ý để bảo mật các thông tin này. 

Một khảo sát gần đây cho thấy, Ví MoMo là thương hiệu ví điện tử số 1 tại Việt Nam. Ông có thấy áp lực trước danh hiệu này?

Hiện nay, Ví MoMo là đơn vị số 1, nhưng mới chỉ có gần 10 triệu khách hàng, con số này nhỏ so với thị trường 100 triệu người như Việt Nam. Theo tôi, việc Ví MoMo đóng góp như thế nào cho việc phát triển dịch vụ tài chính toàn diện và đẩy lùi thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới quan trọng.

Bên cạnh đó, quan tâm hàng đầu của MoMo là trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Chúng tôi tin rằng, công nghệ sẽ giúp cuộc sống của khách hàng trở nên thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian cho gia đình và bản thân, từ đó mang lại sự hài lòng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

Giai đoạn hiện nay là thời điểm khởi động của thị trường, các ví điện tử đang tập trung thu hút và tạo thói quen cho người tiêu dùng.

Chúng tôi chỉ thấy áp lực trong việc làm sao có thể đơn giản hóa sản phẩm, mở rộng kênh thanh toán để người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng.

Theo đó, áp lực ở đây không phải là sự cạnh tranh giữa các ví, mà là cạnh tranh với tiền mặt trên thị trường thanh toán. Khách hàng có lợi gì khi sử dụng Ví MoMo, tại sao khách hàng phải dùng Ví MoMo để thanh toán luôn là vấn đề trăn trở của toàn bộ đội ngũ. 

Có ý kiến cho rằng, tại Việt Nam hiện nay, ví điện tử chủ yếu phục vụ thanh toán riêng cho các dịch vụ trong hệ thống của mình. Ông có bình luận gì?

Như đã trình bày ở trên, để tồn tại được trên thị trường, mỗi ví điện tử bắt buộc phải tạo ra sự khác biệt để giữ chân khách hàng. Dựa trên từng lợi thế tự nhiên của mình, mỗi ví điện tử sẽ cần xây dựng một hệ sinh thái riêng.

Điều này hết sức bình thường, ví dụ Paypal phát triển dựa trên hệ sinh thái của Ebay, Alipay sống được là nhờ hệ sinh thái thương mại điện tử của Alibaba. MoMo cũng đang tự xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, trong đó có hơn 8.000 đại lý, 15.000 điểm chấp nhận thanh toán và hàng chục ngàn đơn vị cung cấp dịch vụ. Khác biệt hóa chính là lý do của sự tồn tại của mỗi đơn vị, thiếu yếu tố này, thị trường sẽ không có động lực để phát triển.

MoMo: “Đối thủ” lớn nhất là tiền mặt trên thị trường ảnh 2

 Trong tháng 10, Ví MoMo triển khai chương trình ưu đãi Thích thì MoMo thôi - Giá chỉ từ 1 đồng cho người dùng mới.

Ông có lo ngại gì về việc các công ty ví điện tử lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đang gia nhập Việt Nam?

Các ví điện tử nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc - thị trường thanh toán ví điện tử lớn nhất thế giới, chắc chắn sẽ gia tăng mạnh sức ép lên những công ty thanh toán nội địa.

Với hệ sinh thái thương mại điện tử, game và kinh nghiệm phát triển trên thị trường hàng tỷ dân, kết hợp với nguồn tài chính dồi dào, nhân sự thiện chiến, am hiểu thị trường, các ví điện tử nước ngoài được chống lưng bởi các đại gia như Alibaba, Tencent sẽ có rất nhiều lợi thế so với các công ty Việt Nam.

Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ, thị trường và buộc các công ty trong nước phải tận dụng các ưu thế về hiểu biết thị trường nội địa để cạnh tranh và tồn tại. Chúng ta đang sống trên một thế giới phẳng, vì vậy phải chấp nhận cuộc chơi và sẵn sàng cho các thử thách. 

Ông có dự báo như thế nào về tương lai của ví điện tử Việt?

Thị trường thanh toán điện tử đang trên đà phát triển mạnh, tôi tin rằng, trong 3 năm tới, việc thanh toán điện tử sẽ phổ biến và đẩy lùi việc dùng tiền mặt. Mặc dù thị trường có thể rất sôi động với sự góp mặt của các ví điện tử nước ngoài, nhưng các ví điện tử của Việt Nam vẫn đủ khả năng đứng vững và chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục