Làm chủ “cuộc sống số” trên thị trường tài chính (Bài 2): Tiền ảo - nên quản hay cấm?

(ĐTCK) Đã có rất nhiều đánh giá về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động tài chính - ngân hàng, tuy nhiên, tốc độ tác động trên thực tế đang nhanh hơn các dự báo. Không chỉ cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp mà mỗi người dân cũng cần tìm hiểu về làn sóng số hóa lĩnh vực tài chính để trước hết là tránh thua thiệt, tiến tới làm chủ những giải pháp công nghệ tài chính này.
Các đồng bitcoin tự động sinh ra bởi thuật toán được thiết kế trong mã nguồn của bitcoin (trong ảnh là các thiết bị dùng để "đào" bitcoin). Các đồng bitcoin tự động sinh ra bởi thuật toán được thiết kế trong mã nguồn của bitcoin (trong ảnh là các thiết bị dùng để "đào" bitcoin).

Bài 2: Tiền ảo - nên quản hay cấm?

Ngay từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành lập Ban chỉ đạo FinTech (công nghệ trong lĩnh vực tài chính) với một phó thống đốc làm Trưởng ban nhằm điều hành thị trường thích ứng với công nghệ số tài chính vốn không chỉ mang lại tác động tích cực mà bao gồm trong nó cả những hệ lụy khó lường.

Sức hấp dẫn lớn từ bitcoin

Trước thời điểm 27/2/2014, khi NHNN chưa có thông báo chính thức về tiền mã hóa hay còn gọi là tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, trong đó khẳng định bitcoin (và các loại tiền tương tự khác) không phải tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc sử dụng bitcoin mang hình thức trải nghiệm, không được xem là hoạt động thương mại chính thức.

Một số quán cafe hay cửa hàng tiện lợi sử dụng hình thức thanh toán bằng các loại tiền ảo, ví dụ bitcoin - như một hình thức quảng bá hình ảnh. Các giao dịch thường nhỏ lẻ, trong khi phí xử lý một giao dịch bitcoin khá lớn và mất nhiều thời gian.

Dẫu vậy, thị trường tiền điện tử ghi nhận bước đột phá vào tháng 6/2015, khi một công ty lữ hành tại TP.HCM là Future Travel đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chấp nhận bitcoin để thanh toán các hoạt động du lịch. Đặc biệt, tháng 10/2017, việc Đại học FPT thông báo sẽ chấp nhận thanh toán học phí bằng bitcoin áp dụng đối với sinh viên nước ngoài đã tạo ra nhiều tranh luận.

Tuy nhiên, NHNN đã nhanh chóng có thông tin phản hồi chính thức về vấn đề này. Cụ thể, thông cáo báo chí được phát đi từ cơ quan này ngày 28/10/2017 cho biết: “Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam; có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng”.

Tính ẩn danh dành cho người dùng bitcoin làm gia tăng mức độ phức tạp cho các nhà quản lý, vốn đang tìm cách giải quyết mối lo ngại rằng, dịch vụ có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Cần lưu ý là để làm phương tiện thanh toán thì chỉ được phép sử dụng VND, ngay cả USD hay các ngoại tệ khác cũng bị cấm nếu sử dụng các ngoại tệ này làm phương tiện thanh toán.

Dưới góc độ kinh tế, tiền tệ, bitcoin là một hệ thống tiền tệ phi tập trung và ngang hàng được tạo ra thông qua những thuật toán phức tạp bởi một người hoặc tổ chức có biệt danh là Satoshi Nakamoto vào năm 2009. Một bitcoin là đơn vị tiền tệ gốc của mạng bitcoin và có tổng cộng 21 triệu bitcoin sẽ được phát hành.

Dưới góc độ công nghệ, bitcoin vừa là một giao thức, vừa là một phần mềm mã nguồn mở, mạng lưới, cơ sở dữ liệu phân tán, nghĩa là bản thiết kế bao gồm các quy tắc và nguyên lý vận hành của hệ thống được công khai toàn bộ cho cộng đồng. Toàn bộ lịch sử giao dịch của hệ thống tiền tệ bitcoin đều được ghi lại trong một cơ sở dữ liệu gọi là blockchain (chuỗi khối).

Tuy bị cấm làm phương tiện thanh toán nhưng bitcoin không bị cấm mua - bán. Với giá trị vào khoảng 20.000 USD/bitcoin vào cuối năm 2017 và đang giao dịch quanh mức 10.000 USD/bitcoin hiện tại, đồng tiền ảo này có sức hút rất lớn đối với các thành viên trên thị trường, nhất là khi số lượng hữu hạn chỉ có 21 triệu bitcoin. Cách duy nhất để thu về là khai thác, hay còn được gọi là đào bitcoin (mining).

Thuật ngữ này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hàm ý để có được bitcoin, cần tốn công sức như đào vàng. Thực tế, đào bitcoin là quá trình một trong các nút trong mạng lưới bitcoin sử dụng thuật toán để tạo ra số định danh của khối (block) mới và số định danh này phải thỏa mãn điều kiện về độ khó hiện tại.

Để bù đắp cho công sức tham gia xử lý blockchain, những nút (hay người chủ vận hành nút) sẽ được trả công bằng những đồng bitcoin mới. Các đồng bitcoin tự động sinh ra bởi thuật toán được thiết kế trong mã nguồn của bitcoin.

Về lý thuyết, không ai có thể kiểm soát cung tiền, trừ khi thay đổi mã nguồn. Số bitcoin đào được sẽ giảm dần theo thời gian và thay đổi tuỳ theo số người tham gia, càng nhiều người đào thì công sức bỏ ra để có 1 bitcoin càng tốn kém hơn.

TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, tại thời điểm ban đầu, số tiền thưởng này là 50 bitcoin cho mỗi khối. Cuối năm 2016, phần thưởng đã giảm còn 12,5 bitcoin cho mỗi khối. Và giao thức bitcoin quy định rằng, phần thưởng sẽ giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối (khoảng 4 năm).

Cuối cùng, phần thưởng sẽ tiệm cận tới số 0 khi số bitcoin trên thị trường đạt ngưỡng 21 triệu vào năm 2140. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2018, giới thợ đào đã kiếm được đến 16,7 triệu bitcoin. Sau khi đến ngưỡng, thợ đào sẽ chỉ có phần thưởng là phí giao dịch.

Hoạt động khai thác đòi hỏi chủ thể tham gia phải đầu tư tiền của, công sức vào hệ thống máy tính và các phần cứng khác. Nguyên lý khai thác dựa trên việc thử chọn dẫn tới cuộc chạy đua giữa các thợ đào nhắm tới quyền tạo khối mới và nhận phần thưởng.

Một người khó có thể tự đào do tốn quá nhiều nguồn tài nguyên như phần cứng và trang thiết bị cho máy tính, thường là vi xử lý đồ họa, thậm chí là vi mạch (IC) thiết kế riêng, nên thường có một nhóm góp nguồn tài nguyên, gia tăng khả năng trong tập thể sẽ có máy nào đó đào được bitcoin. Lượng bitcoin này sau đó được chia cho các thành viên trên cơ sở tỷ lệ nguồn tài nguyên đóng góp.

TS. Tuấn chia sẻ: “Có những người đầu tư hàng nghìn máy tính, được gọi là “trang trại”. Tuỳ thời điểm, giá trị đồng bitcoin thay đổi lên - xuống khác nhau, nhưng thường khoảng hơn 1 năm sẽ hoà vốn bởi có lãi khoảng 10% mỗi tháng”.

Thách thức trong chính sách quản lý

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, bitcoin không có một tổ chức quản lý tập trung và không phải một thực thể hoặc doanh nghiệp. Đặc điểm này không phù hợp với các khung giám sát hiện có khi không tồn tại pháp nhân hiện hữu nào để có thể áp đặt các yêu cầu pháp lý. Bên cạnh đó, việc thiếu một thực thể tập trung đồng nghĩa với việc không có đối tượng chịu trách nhiệm cho người dùng hoặc nhà đầu tư.

Theo đó, bản chất không tập trung, xuyên quốc gia tạo ra những vấn đề đặc biệt về giám sát tính minh bạch và toàn vẹn khu vực tài chính, bởi nó không thể tuân thủ hoặc thực thi luật chống rửa tiền truyền thống như giám sát và báo cáo hoạt động đáng ngờ, hoặc chấp nhận và xử lý các yêu cầu pháp lý của toà án.

“Bitcoin giao dịch không qua trung gian tài chính. Nếu tiền giao dịch qua ngân hàng thì trong trường hợp có nghi ngờ, ngân hàng sẽ đóng băng tài khoản. Trong khi đó, đối với bitcoin, không ai đóng được tài khoản và không có cơ quan nào kiểm soát. Tự tạo tài khoản và chuyển tiền xuyên biên giới một cách dễ dàng là thách thức không dễ dàng kiểm soát, gây nên những lo ngại nhất định đối với nhà quản lý”, TS.  Tuấn nói.

Một vấn đề được TS. Hiếu đặt ra là nếu một người mua hàng bằng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, tên khách hàng và thông tin nhận dạng khác được gắn với tài khoản. Ngược lại, các giao dịch bitcoin có khả năng ẩn danh cao hơn, mặc dù các giao dịch được công bố trực tuyến… Thông tin duy nhất xác định người dùng bitcoin là địa chỉ bitcoin được tạo ngẫu nhiên, chính vì vậy đã thu hút người dùng bằng tính bảo mật và bảo vệ tốt hơn khỏi hành vi trộm cắp danh tính.

“Tuy nhiên, tính ẩn danh dành cho người dùng bitcoin làm gia tăng mức độ phức tạp cho các nhà quản lý, vốn đang tìm cách giải quyết mối lo ngại rằng, dịch vụ có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp”, TS. Hiếu nhận định.

Đặc biệt, bitcoin gây ra thách thức để đảm bảo một trong các mục tiêu quan trọng của giám sát là bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư. Bitcoin có thể bị mất hoặc đánh cắp, tuy nhiên, hệ thống không cho phép đảo ngược giao dịch. Điều này có nghĩa, nạn nhân có rất ít phương tiện để khắc phục, không được hỗ trợ bởi Chính phủ hoặc bất kỳ hình thức bảo hiểm tiền gửi nào như tiền được lưu trữ trong tài khoản ngân hàng truyền thống. Đó là chưa kể các vấn đề gian lận có liên quan tới việc chào bán tiền ảo ra thị trường.

TS. Hiếu nhấn mạnh thêm: “Đầu tư bitcoin là rất mạo hiểm, bởi giá của đồng tiền điện tử này lên xuống thất thường. Người chơi ảo tưởng về việc nắm trong tay đồng tiền được giao dịch, trong khi đó nó không có giá trị cố định, không phải là bản vị của một quốc gia dựa trên cơ sở kinh tế”.

Nhìn về dài hạn, việc sử dụng rộng rãi tiền ảo và các sản phẩm tài chính tự mã hoá liên quan sẽ gia tăng tổn thương tài chính và rủi ro hệ thống, do đó đòi hỏi việc giám sát kỹ lưỡng sự phát triển. Và những công nghệ mới này đòi hỏi các nhà quản lý và các cơ quan giám sát cần tăng cường khả năng chuyên môn.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục