Fintech Việt: Tạo bước phát triển mới cho thị trường ngân hàng - tài chính Việt

(ĐTCK) Nhằm thúc đẩy công nghệ tài chính (Fintech) và hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng – Fintech, hướng tới phổ cập tài chính và chuyển đổi ngân hàng số tại thị trường Việt Nam, ngày 13/8 tại Hà Nội, Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (FCV) lần thứ 2 sẽ chính thức được khởi động, thời gian dự kiến kéo dài từ tháng 8-11/2019.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech phát biểu khai mạc chương trình Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech phát biểu khai mạc chương trình

Chương trình FCV năm nay hướng tới các giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tiếp cận dịch vụ tài chính và an ninh mạng.

Chia sẻ với Đầu tư chứng khoán về sự khác biệt giữa cuộc thi FCV 2018 và FCV 2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, về cơ bản, cuộc thi FCV 2019 được thiết kế trên cấu trúc từ cuộc thi FCV 2018 đã được tổ chức thành công.

Trong khi FCV 2018 tập trung chủ yếu vào 5 lĩnh vực chuyên sâu của Fintech (Thanh toán điện tử, P2P Lending, Open API, e-KYC và Blockchain) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo các dịch vụ ngân hàng và phổ cập tài chính, thì FCV 2019 sẽ tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn của thị trường.

Đó là những vấn đề nổi cộm, những thách thức cho các cơ quan quản lý, cũng như xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng số/số hóa dịch vụ ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam; những công nghệ hiện đại, đột phá, có tiềm năng ứng dụng lớn (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...) hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính tại Việt Nam.

“Ngoài ra, cuộc thi FCV 2019 được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội hợp tác kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa giữa các công ty Fintech và các NHTM, tạo bước phát triển mới cho thị trường ngân hàng - tài chính Việt Nam”, ông Sơn nói.

Fintech Việt: Tạo bước phát triển mới cho thị trường ngân hàng - tài chính Việt ảnh 1

Toàn cảnh sự kiện

Được biết, các công ty công nghệ tài chính (fintech) có thể nộp hồ sơ tham gia FCV 2019 đến ngày 25/9/2019 tại fintech.mekongbiz.org. Các fintech ở giai đoạn đầu cũng như các công ty ở giai đoạn sau - đã có sản phẩm sẵn sàng - tại Việt Nam và các nước khác đều có thể tham gia ứng tuyển. Những công ty fintech được lựa chọn sẽ có cơ hội trình bày giải pháp của mình tại Demo Day tổ chức vào ngày 7/11/2019.

Ban Tổ chức sẽ đánh giá tất cả các Hồ sơ của các công ty Fintech một cách công bằng và có hệ thống theo các tiêu chí được nêu tại Hướng dẫn dự thi (Playbook). Ban Tổ chức chỉ đánh giá, xem xét những giải pháp liên quan đến các chủ đề của cuộc thi.

Được biết, giải pháp của các công ty Fintech được đánh giá dựa trên 04 tiêu chí, cụ thể: sự phù hợp (trọng số 25%): Giải pháp có giải quyết được Báo cáo vấn đề đã chọn không? tính sáng tạo (trọng số 25%): Giải pháp có phải là duy nhất so với các sản phẩm hiện có hay không? sự rõ ràng (trọng số 25%): Công ty Fintech có mô hình kinh doanh bền vững không? độ tin cậy (trọng số 25%): Các công ty Fintech có khả năng triển khai POC về giải pháp của mình không?

Một hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia độc lập sẽ tiến hành đánh giá và trao giải thưởng bằng tiền mặt cho 03 công ty ở giai đoạn đầu và 03 công ty ở giai đoạn sau.

Bên cạnh đó, hai ứng viên chung cuộc sẽ được Mastercard hỗ trợ tham gia trình diễn tại Sự kiện khách hàng của Mastercard trong khuôn khổ Ngày hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival) vào tuần tiếp theo.

Ông Sơn cho biết, Quỹ đầu tư VinaCapital và ADB Ventures sẽ đầu tư thí điểm lên đến 500.000 USD cho các giải pháp xuất sắc có tiềm năng nhân rộng và ảnh hưởng tích cực tới phổ cập tài chính tại Việt Nam.

ADB cam kết hướng tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, đồng thời duy trì nỗ lực xóa nghèo. Trong năm 2018, ADB đã hỗ trợ các khoản vay và viện trợ mới trị giá 21,6 tỉ USD. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Phát biểu tại Chương trình, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, thông qua cuộc thi lần này, các công ty Fintech trong và ngoài nước tiếp tục có cơ hội được ươm mầm, phát triển các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá và khác biệt; đồng thời thúc đẩy đổi mới, tăng cường cạnh tranh và hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam”.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) phát biểu tại sự kiện.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) nhận định: “Chương trình FCV là chương trình sáng tạo có sự tham gia của cơ quan quản lý, các ngân hàng và các công ty fintech nhằm tìm ra những điểm giao thoa giữa khu vực công và tư. Đây là một cơ chế độc đáo nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ bền vững để tiếp cận các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại Việt Nam”.

Chương trình FCV do Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative - MBI), dự án do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech tham dự và phát biểu khai mạc Chương trình. Về phía ADB, ông Eric Sigwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam tham dự chương trình.

Bên cạnh đó, Chương trình còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN là thành viên của Ban Chỉ đạo Fintech NHNN, các đối tác của chương trình FCV năm 2019, các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); các ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank, TPBank, UOB); ViettelPay; các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard, Tập đoàn Vinacapital; các đối tác kỹ thuật (Công ty TNHH MTV Ersnt & Young Việt Nam, Công ty Padang & Co đến từ Singapore) và các đối tác trong Hệ sinh thái Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA, Vietnam Sillicon Valley - VSV thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam – VIISA; Câu lạc bộ Fintech Việt Nam).

Các đối tác thương mại của Chương trình không chỉ gồm các ngân hàng (TPBank, Vietcombank, VietinBank, UOB) mà còn có doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ViettelPay), những tổ chức đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả mô hình kinh doanh đồng thời thúc đẩy phổ cập tài chính.

Chương trình sẽ giúp các tổ chức này tìm kiếm các giải pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. FCV2019 cũng có sự đồng hành của các đối tác kỹ thuật (E&Y, Padang&Co), các nhà tài trợ (MasterCard, VISA), các đối tác đầu tư (Vinacapital Ventures) và các đối tác khác (như Vietfintech, VNBA). 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục