FinTech, bộ ba tài chính đang định hình

(ĐTCK) Việc FinTech cho ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán phát triển đều hơn, đặc biệt là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những cơ hội và thách thức không nhỏ…
TPBank có mô hình giao dịch trực tuyến LiveBank và được xem là những “quầy giao dịch không ngủ” TPBank có mô hình giao dịch trực tuyến LiveBank và được xem là những “quầy giao dịch không ngủ”

FinTech: Đối tác của các ngân hàng

Ông Grant Dennis, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam nhận định, xu hướng ở Việt Nam cũng khá tương đồng với xu hướng trên thế giới. Có thể thấy, các ngân hàng đang đi theo xu hướng số hóa, áp dụng công nghệ mới để thay đổi hoạt động của mình theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm hơn, để cung cấp các dịch vụ nhanh chóng và chất lượng hơn.

Quả vậy, TPBank có mô hình giao dịch trực tuyến LiveBank và được xem là những “quầy giao dịch không ngủ”. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, khoảng 64% giao dịch của LiveBank là ngoài giờ hành chính, 29% là vào khoảng 17 giờ đến 20 giờ, 80% khách hàng là những người dưới 35 tuổi.

Trong khi đó, VPBank cũng đã cho ra mắt ngân hàng số Yolo với tham vọng gắn dịch vụ ngân hàng, tài chính vào đời sống hằng ngày của người dân và đáp ứng nhiều nhất nhu cầu của khách hàng.

Rõ ràng, các ngân hàng đã tiếp cận khách hàng theo một tư duy mới, theo đúng cách mà FinTech đang chen chân vào khoảng trống của thị trường.

Không chỉ phát triển các công nghệ riêng, các ngân hàng cũng bắt tay với các công ty FinTech để cung cấp thêm các dịch vụ. Chẳng hạn, VPBank hiện vẫn đang hợp tác với công ty FinTech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, MBB hợp tác với công ty FinTech tạo ra công nghệ cho phép người tiêu dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook, Vietcombank  hợp tác với CTCP Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn…

Thực tế đã chứng minh, FinTech có những lợi ích đối với tài chính quốc gia như giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính thông qua những tiện ích về công nghệ, giúp cho khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn có thể tiếp cận dịch vụ mà bản thân ngân hàng truyền thống chưa đạt được.

Bên cạnh đó, nếu các công ty công nghệ liên kết được với ngân hàng sẽ có nhiều sản phẩm ra đời giúp đa dạng hóa dịch vụ tài chính, khách hàng có thể lựa chọn nhiều sản phẩm, giúp phân tán rủi ro và giúp giảm được các cú sốc tài chính. FinTech trong thời gian qua đã và đang là “cánh tay nối dài” của ngân hàng vì muốn thanh toán các giao dịch đều phải thông qua ngân hàng và FinTech đang là đối tác đem khách hàng về cho ngân hàng.

Do đó, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đang rất chú trọng tới sự phát triển của các công ty FinTech. Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một ủy ban hỗ trợ các công ty FinTech với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo cho quy định về ngân hàng đại lý (agent banking) và định danh khách hàng qua các phương tiện điện tử (e-KYC). Hai quy định này nếu được thông qua sẽ mở ra một sân chơi mới cho các FinTech tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính cho đông đảo người dân ở Việt Nam.

Insurtech: Cơ hội và thách thức cho ngành bảo hiểm

Tho ông Patrick Hanna, Phó tổng giám đốc mảng Dịch vụ tài chính của EY Singapore, có 4 yếu tố chủ đạo đang tác động mạnh mẽ đến tương lai thị trường bảo hiểm.

Thứ nhất, thế giới đang phát triển chóng mặt với những nền tảng công nghệ mới là AI, Blockchain, các thiết bị kết nối điện tử... đã, đang và sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị của các công ty bảo hiểm trên thị trường.

Thứ hai, kỳ vọng của khách hàng đang ngày càng gia tăng, có xu hướng tìm kiếm sự khác biệt và cá nhân hóa trong quá trình trải nghiệm dịch vụ. Khi khách hàng có được sự trải nghiệm thỏa đáng, thân thiện, minh bạch và cá nhân hóa ở các ngành và lĩnh vực khác, họ cũng sẽ kỳ vọng có những trải nghiệm tương tự trong ngành bảo hiểm.

Thứ ba, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm. Điển hình như mức lãi suất thấp trên thế giới hiện nay đang đặt áp lực lên hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm. Khách hàng có xu hướng không muốn mua bảo hiểm khi mức lãi suất thấp và đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.

Thứ tư, sẽ diễn ra một cuộc chiến ngầm trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng cao trong ngành. Lực lượng lao động hiện tại chưa được chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng do kỹ thuật số mang lại, đặc biệt những yêu cầu nhân sự cho những ngành mới như Khoa học dữ liệu (Data Science), Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX design) hay Marketing kỹ thuật số (Digital marketing)..., chắc chắn sẽ thiếu hụt trong thời gian sắp đến.

Các yếu tố trên được ông Patrick Hanna đánh giá, sẽ tạo ra những xu hướng mới cho thị trường bảo hiểm, chẳng hạn xu hướng áp dụng Big Data (dữ liệu lớn) vào quá trình phân tích dữ liệu nhằm nâng cao hiểu biết đối với hành vi khách hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng. Hoặc xu hướng gia tăng khả năng linh hoạt và di động của đội ngũ nhân viên, đại lý thông qua các kết nối điện tử. Gia tăng các bước kiểm soát, cải thiện quy trình và sử dụng công nghệ để giảm thiểu sai sót và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn về tuân thủ...

Tất cả những xu hướng này được nhận định sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn và bất kỳ một doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng không nằm ngoài những tác động mà các yếu tố này mang lại. Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm trên thị trường, sự thành công sẽ dành cho những ai tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó.

“Đứng trước bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm, hay gọi tắt là InsurTech, sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức to lớn”, ông Patrick Hanna nói.

Robot giao dịch chứng khoán: Muộn còn hơn không

Robot giao dịch chứng khoán dù còn mới mẻ với đa số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nó đã xuất hiện từ những năm 1970 và bắt đầu từ những năm 1980 - 1990 tại Mỹ.

Robot giao dịch chứng khoán (giao dịch Algo) là quá trình sử dụng các chương trình máy tính tuân theo một tập hợp xác định các quy tắc để đặt lệnh. Tập hợp các luật trong thuật toán được dựa trên thời gian, giá, khối lượng hoặc bất cứ mô hình toán học nào. Bên cạnh việc tạo ra cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu cơ, giao dịch Algo giúp tạo ra thanh khoản cho thị trường đồng thời loại bỏ yếu tố cảm xúc chi phối ở con người.

Manh nha từ những năm 2012 cho tới nay, các đội nhóm, start-up (TEAM) xây dựng phần mềm, thuật toán cập nhật tín hiệu cảnh báo Mua/Bán tự động (Robot giao dịch chứng khoán) đã tạo dựng được một nền tảng cơ sở cho thị trường mới này.

Có thể nói, Robot giao dịch chứng khoán mang hình ảnh và ý tưởng đầu tư của người lập trình. Các TEAM theo đuổi các trường phái và triết lý đầu tư khác nhau hình thành thị trường Robot vô cùng phong phú về chiến lược và tương thích với mỗi giai đoạn thị trường riêng biệt.

Nhiều TEAM phát triển phần mềm dựa trên mô hình bùng nổ theo đà (bùng nổ trên nền tảng tích luỹ) trong CANSLIM. Robot được xây dựng trên lý thuyết này có khả năng nhận diện một nền tảng tích luỹ bao gồm nhiều nến (candle sticks) xếp cạnh nhau, dao động trong biên độ hẹp, với thanh khoản cạn kiệt và sẽ cảnh báo tín hiệu mua khi mặt bằng giá này bị phá vỡ nhờ lực cầu lớn…

Có thể thấy rằng, thị trường Robot giao dịch chứng khoán đang có những bước phát triển chập chững thế hệ “1.0” nhưng có nhiều triển vọng. Tuy rằng, hạ tầng cơ sở và nền tảng phát triển còn sơ khởi, nhưng chiến lược đầu tư của các TEAM đa dạng và nhiều điểm sáng, ủng hộ các Robot khi hiệu quả đầu tư của hầu hết các Robot đều vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường, có những Robot đạt mức lợi nhuận đầu tư lý thuyết bình quân 35%/năm hay xác suất chính xác của tín hiệu ở mức trên 85%. Và một tương lai chắc không xa, nhà đầu tư sẽ thua robot khi mua bán trên thị trường chứng khoán.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ tài chính ngân hàng EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ FinTech Việt Nam nhận định: “FinTech ở Việt Nam vẫn phát triển, nhưng sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng của Chính phủ trong việc có cho phép làm thử nghiệm hay không. TechCompany, InsurTech, EduTech, HealthTech… đang ngày càng phát triển cho thấy sự phát triển của công nghệ trong các lĩnh vực đặc thù là điều không thể tránh khỏi”.

Thái Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục