Để “đường quang” cho FinTech Việt: Cần sự bảo hộ của Chính phủ

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Công nghệ Tài chính Việt Nam vừa tổ chức, ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca chia sẻ: “Khi rời khỏi vị trí lãnh đạo cao cấp tại một ngân hàng để toàn tâm, toàn ý với Moca cách đây 3 năm, đã nhiều người nói với tôi là 'đường quang không đi, mà đâm đầu vào bụi rậm'. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan với tương lai thị trường thanh toán điện tử Việt Nam”.

Trên con đường này, ông Nam thừa nhận, không hoàn toàn trải hoa hồng, bởi như chính Moca cách đây vài tháng cũng ở trong tình trạng “căng thẳng”, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi việc đã được giải quyết. Đã có 11 ngân hàng hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán với Moca, trong đó có 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

“Tiền mặt sẽ vẫn còn quan trọng trong 5 năm tới, nhưng thanh toán điện tử cũng sẽ chiếm một vị trí đặc biệt. Tôi tin tưởng thị trường này sẽ phát triển mạnh trong 2 năm tới”, ông Nam nhấn mạnh.

Để “đường quang” cho FinTech Việt: Cần sự bảo hộ của Chính phủ ảnh 1

Đại diện các start-up FinTech đạt giải tại Chương trình FCV 

Tuy “FinTech” đang là từ khóa "hot" hiện nay, nhưng thực tế vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, khi số liệu cập nhật cho biết, mới có trên 80 công ty FinTech đang hoạt động. Các công ty này đang đối mặt với không ít thách thức trong triển khai mô hình kinh doanh như khó khăn về huy động vốn, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, sự dè dặt của chính các ngân hàng trong việc hợp tác với các công ty FinTech...

Đánh giá về lĩnh vực này, phát biểu tại Diễn đàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, với sự linh hoạt trong hoạt động và giải pháp công nghệ có tính đột phá, các công ty FinTech đã thổi một luồng gió mới vào hệ thống tài chính - ngân hàng khi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hướng tới việc nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đã và đang phải định hình lại chiến lược kinh doanh của mình, tự đổi mới các dịch vụ truyền thống hướng tới khách hàng nhiều hơn.

“Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt tay với các công ty FinTech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng. Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong những năm gần đây, bởi đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi”, Thống đốc nói.

Từ phía ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, khá bất ngờ với những ý tưởng của các công ty FinTech tại Chương trình “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính” (Vietnam FinTech Challenge - FCV). Tuy nhiên, theo ông Lân, để đưa ý tưởng vào thực tế là không dễ dàng.

“Có 3 cách để ngân hàng hợp tác với công ty FinTech là đầu tư, mua sản phẩm, hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng, điều kiện để đầu tư ngoài ngành là khá ngặt nghèo, trong khi mua sản phẩm qua đấu thầu, đặc biệt đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, lại gặp những yêu cầu về thủ tục tài chính, quy mô, kinh nghiệm triển khai và những điểm này không có lợi cho các công ty FinTech… Điều này có nghĩa, ngân hàng muốn bắt tay với công ty FinTech gần như chỉ còn 'một cửa' là hợp tác kinh doanh”, ông Lân nói.

Với mong muốn thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn, các chuyên gia FinTech đều cho rằng, cần có sự bảo hộ của Chính phủ. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhìn nhận: “Ngay cả với những công ty FinTech đã có quy mô đủ lớn cũng cần có sự bảo hộ của Chính phủ để phát triển mạnh hơn và vươn ra ngoài khu vực. Trong khi đó, các start-up FinTech cần có thời gian để chứng tỏ năng lực, nếu bảo hộ sớm sẽ mất cơ hội thu hút các công ty FinTech trên thế giới tham gia thị trường”. 

Chương trình FCV nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Úc thông qua Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI) tài trợ và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

15 ứng viên vào chung kết FCV trình bày các giải pháp nhằm giải quyết một số thách thức trên hành trình phổ cập tài chính ở Việt Nam. Các giải pháp này nằm trong 5 lĩnh vực công nghệ tài chính
(FinTech) được Ngân hàng Nhà nước quan tâm, bao gồm: Thanh toán điện tử (e-payments), định danh khách hàng điện tử (e-KYC); cho vay ngang hàng (P2P Lending), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain.

Ban Giám khảo của FCV bao gồm các chuyên gia FinTech đến từ Việt Nam và quốc tế, đã chọn ra 6 start-up FinTech xuất sắc nhất, bao gồm các đội đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Giải Nhất với trị giá giải thưởng là 25.000 USD đã thuộc về Weezi Digital, start-up FinTech của Việt Nam.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục