Đại gia thanh toán nước ngoài nhóm ngó, nở rộ hình thức mới trong thanh toán xuyên biên giới

Hàng loạt ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (fintech) trong nước đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bắt tay với các đại gia thanh toán ngoại để triển khai thanh toán xuyên biên giới bằng các hình thức mới, chưa có trong quy định pháp lý hiện hành.
Với sự phát triển của công nghệ, thanh toán xuyên biên giới đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh: Đức Thanh Với sự phát triển của công nghệ, thanh toán xuyên biên giới đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng ra sức bắt tay đối tác ngoại

Thời gian gần đây, các ngân hàng Việt liên tục bắt tay với đối tác ngoại để trình làng các hình thức chuyển tiền quốc tế mới, như chuyển tiền bằng công nghệ blockchain, QR code, thẻ nội địa, thẻ ảo...

Đầu tháng 11/2019, TPBank là ngân hàng đầu tiên ra mắt hình thức chuyển tiền bằng công nghệ blockchain thông qua RippleNet, một nền tảng được phát triển bởi SBI Ripple Asia. Theo đó, khách hàng chuyển tiền từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ chỉ còn mất vài phút, thay vì vài giờ như trước đây.

Nhiều ngân hàng khác cũng đã chạy đua ra mắt những hình thức thanh toán quốc tế mới, nhắm vào khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, hoặc khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Chẳng hạn, cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng BIDV và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã hợp tác với Tổ chức Thẻ nội địa Liên bang Nga. Theo thỏa thuận hợp tác, du khách Nga đến Việt Nam có thể quẹt thẻ MIR (thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên bang Nga) tại toàn bộ hệ thống POS của BIDV trên toàn quốc.

Giữa năm nay, TPBank cũng bắt tay với UnionPay (Trung Quốc) về việc liên thông thanh toán. Theo đó, hàng triểu khách hàng của UnionPay tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... khi sang Việt Nam du lịch có thể dễ dàng thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán mã QR Code, mPOS...

Với du khách Việt đi du lịch nước ngoài, việc thanh toán không tiền tiền mặt cũng sắp trở nên vô cùng dễ dàng.

BIDV cho hay, ngân hàng này đang nghiên cứu phương án triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa BIDV tại Liên bang Nga.

LienVietPostBank mới đây cũng bắt tay với BC Card (Hàn Quốc) thử nghiệm thành công thanh toán Ví Việt tại Hàn Quốc, dự định triển khai chính thức vào đầu năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, với sự phát triển của công nghệ, việc thanh toán xuyên biên giới hiện nay vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, điều ông Thắng lo lắng nhất là về mặt pháp lý, Việt Nam có cho phép hay không, bởi hiện chưa có quy định nào liên quan đến vấn đề này. “Ngân hàng sợ nhất là rủi ro pháp lý”, ông Thắng nói.

Thí điểm các mô hình thanh toán quốc tế mới

Sự phát triển của các ứng dụng thanh toán điện tử xuyên quốc gia khiến ngân hàng không còn là chủ thể duy nhất của sân chơi này, mà ngày càng có sự thâm nhập mạnh mẽ của các fintech. Tại châu Á, thị phần chuyển tiền quốc tế của các ngân hàng đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều fintech đình đám nhăm nhe nhảy vào lĩnh vực này, như TransferWise, InstaReM, Remitly... Chưa kể, các doanh nghiệp thương mại điện tử như Paypal hoặc các mô hình thanh toán của các mạng xã hội như Facebook, Google... cũng là mối đe dọa mới của ngân hàng.

Trong cuộc cạnh tranh này, ngân hàng ngày càng có nhu cầu bắt tay với các đối tác để không bỏ lỡ cơ hội.

Được biết, hiện tại, rất nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ, cung ứng trung gian thanh toán gửi đề nghị lên NHNN, đề xuất hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank... nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

“Do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như thẩm quyền cho phép thí điểm, NHNN đã trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, xử lý cho phép thí điểm các mô hình trên, qua đó tổng kết nắm bắt thực tế nhằm xây dựng các quy định đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, dịch vụ thanh toán điện tử xuyên biên giới”, NHNN cho biết.

Trên thực tế, việc chưa có cơ sở pháp lý không chỉ khiến các ngân hàng, fintech chậm nắm bắt cơ hội, mà việc chậm đưa ra hành lang pháp lý còn khiến cơ quan quản lý nhà nước chậm nắm bắt thông tin về các giao dịch, kiểm soát nguy cơ rửa tiền, trốn thuế... Hiện nay, một số công ty nước ngoài cung ứng các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán tại Việt Nam, nhưng chưa chịu sự điều chỉnh tương ứng của pháp luật Việt Nam.

Chính vì vậy, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động thanh toán xuyên biên giới là đòi hỏi cấp thiết, nhằm phục vụ nhu cầu đẩy mạnh hợp tác các mô hình dịch vụ thanh toán xuyên biên giới giữa ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hỗ trợ kết nối cho ngân hàng với các tổ chức thanh toán quốc tế.

NHNN đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, NHNN đã bổ sung một số quy định về thanh toán quốc tế để đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như theo kịp sự phát triển của công nghệ, nhằm đem lại tiện lợi cho khách hàng cũng như nâng cao vai trò của Nhà nước trong quản lý các luồng giao dịch xuyên biên giới an toàn và có hiệu quả.

Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định: các ngân hàng ngân hàng được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế được hợp tác kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài để thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối, quy định tại Nghị định và phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chỉ được hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nước ngoài để hỗ trợ ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế và phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục