4.0 với hệ thống ngân hàng và khoảng trống chính sách

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng đang đòi hỏi phải xây dựng các quy định pháp lý mới.
Có nhiều cơ hội mở ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành ngân hàng Có nhiều cơ hội mở ra từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành ngân hàng

Những ứng dụng 4.0 ban đầu

Tại hội thảo khoa học “Ngành ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cuối tuần qua cho thấy, mặc dù đang trong giai đoạn đầu ứng dụng 4.0 trong hoạt động kinh doanh và trong hoạt động nội bộ, nhưng nhìn chung, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những bước đi cụ thể triển khai ứng dụng công nghệ 4.0.

Cụ thể, tăng cường phát triển ngân hàng số (Digital Banking) với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab của Vietcombank. Ngân hàng số Timo của VPBank mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm giao dịch tài chính mới. Hay ngân hàng tự động LiveBank của TPBank cho phép khách hàng gửi tiền, rút tiền, mở sổ tiết kiệm như đang giao dịch thực tế với nhân viên Ngân hàng…

Không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển tiền, hỗ trợ thanh toán cho người dùng qua Internet hay Mobile Banking, các ngân hàng cũng thay đổi tư duy khi đẩy mạnh triển khai chi nhánh ngân hàng điện tử và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ khách hàng như VIB, VietinBank, TPBank, Sacombank... Hệ thống tương tác trực tuyến có thể mang thông tin đến cho nhiều người cùng lúc hơn, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào và phụ thuộc vào người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng bắt đầu triển khai nghiên cứu áp dụng Dữ liệu lớn (Big Data) như VPBank hợp tác với IBM xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ việc nghiên cứu hành vi, nắm bắt xu hướng lựa chọn của khách hàng và xu thế thị trường. MB hợp tác với Infosys, Amigo triển khai dự án kho dữ liệu tập trung và công cụ báo cáo quản trị (Data Warehouse) giúp Ngân hàng xây dựng nền tảng dữ liệu và công nghệ mạnh, đáp ứng các yêu cầu về thông tin, dữ liệu, đồng thời nâng cao hoạt động quản lý, giám sát và quản trị rủi ro.

Đặc biệt, một số ngân hàng đã bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng số như VietinBank đang triển khai hệ thống tri thức kinh doanh (Business Intelligence) - chuyển dữ liệu thành thông tin có giá trị (gồm báo cáo và phân tích) cho hoạt động quản trị nội bộ, quản trị rủi ro và phát triển kinh doanh. TPBank triển khai ứng dụng T'Aio trên Facebook Fanpage (từ tháng 7/2017) với tốc độ phản hồi của T'Aio khi nhận được đề nghị giao tiếp thông tin từ khách hàng chưa tới 5 giây, hoạt động 24/7 và liên tục được cải thiện.

“Chỉ mặt, điểm tên” thách thức

“Bên cạnh những cơ hội mở ra từ cách mạng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng đồng thời phải đối mặt với các thách thức không nhỏ”, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh nói.

Theo ông Tạ Quang Đôn, Phó vụ trường Vụ Pháp chế, NHNN, đối với giao dịch thanh toán xuyên biên giới, mặc dù lựa chọn tổ chức không phải là ngân hàng để hợp tác, thử nghiệm kỹ thuật một hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán và ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử và/hoặc hợp tác triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” là hai trong số quyền của ngân hàng, nhưng việc ứng dụng công nghệ DLT (Distributed Ledger Technology - công nghệ sổ cái phân tán), một ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng Blockchain, để kết nối thực hiện giao dịch giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ phát sinh nhiều vấn đề về mặt pháp lý và hoạt động mà pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh.

Thứ nhất, hoạt động và các rủi ro pháp lý từ việc ứng dụng công nghệ DLT sẽ được xử lý theo pháp luật nước của người thanh toán hay nước của người thụ hưởng?

Thứ hai, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán của người thụ hưởng hay của người thanh toán sẽ phải chịu trách nhiệm với những rủi ro về mặt pháp lý và hoạt động đối với giao dịch thanh toán?

Thứ ba, khả năng bảo hộ pháp lý cũng như các biện pháp chế tài thực hiện nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia giao dịch không được pháp luật thừa nhận. Do đó, rủi ro pháp lý là rào cản rất lớn, nhất là khi đồng tiền kỹ thuật số vốn được sử dụng trong các giao dịch DLT chưa được pháp luật bảo vệ nên tính chắc chắn, an toàn của các giao dịch này là dấu hỏi khó có thể giải đáp trong giai đoạn này.

Thứ tư, do sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ, các quy định pháp luật luôn có sự chậm trễ trong việc cập nhật sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành nên độ trễ về mặt pháp luật so với tốc độ phát triển công nghệ ngày càng gia tăng, dẫn đến pháp luật chưa thể đóng vai trò kiến tạo, bà đỡ cho phát triển và ứng dụng công nghệ DLT.

Cần nhanh  chóng lấp khoảng trống chính sách

TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định: “Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu mới cho NHNN trong việc xây dựng các khuôn khổ chính sách mới để quản lý, giám sát những yếu tố mới của ngành ngân hàng như tiền thuật toán (crypto currency), tiền điện tử (E-money), tài chính công nghệ (FinTech)…”.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo chỉ rõ, sự thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định, thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành gây trở ngại lớn trong việc xây dựng quy định pháp lý mới nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng, điển hình như việc áp dụng công nghệ nhận dạng chữ viết (OCR) trong định danh khách hàng.

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển nhanh của các công nghệ mới, mang tính đột phá và có thể thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước khó có thể đưa ra quyết định tức thời về hành lang pháp lý phù hợp, do phải xét đến nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới.

Hơn nữa, xét đến khả năng trao đổi dữ liệu phi biên giới, mang tầm ảnh hưởng liên quốc gia của cuộc cách mạng công nghệ số, cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc hiện trạng áp dụng trong nước cũng như môi trường pháp lý quốc tế trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ mới.

“Công nghệ thay đổi, sản phẩm dịch vụ đa dạng, tích hợp thanh toán thuận tiện... nhưng đi liền với đó là rủi ro sẽ gia tăng. Nếu hành lang pháp lý cho vấn đề này chưa rõ ràng thì ngân hàng chưa thể sẵn sàng cung cấp các dịch vụ cho khách hàng (một cách hoàn toàn tự động, không yêu cầu văn bản giấy tờ) và khách hàng cũng sẽ khó có thể sẵn lòng trải nghiệm”, ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank nói.

Kết quả khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN thực hiện vào tháng 5/2017 tại 18 hội sở chính các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 2 tổ chức tài chính vi mô (đại diện cho 65% tổng tài sản của ngành ngân hàng) cho biết: 92% trả lời đang có những chuẩn bị về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số để đón nhận và thích ứng với những bước tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 và 76% đã chuẩn bị để thu hút lao động trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Đặc biệt, 96% các ngân hàng hiện nay đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ cao/công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2025, trong đó có 3 ngân hàng (VPBank, TPBank, HSBC) có chiến lược phát triển về robot tự động và tiên tiến.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục