Fideco tổ chức họp đại hội đồng cổ đông ngày 28/6, nhưng ngày 26/6, trên trang web fideco.com.vn, tài liệu đại hội không có báo cáo của tổng giám đốc và báo cáo của hội đồng quản trị.
Trong khi đó, ngày 11/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã gửi công văn về việc ông Lê Thái Thành, thành viên Hội đồng quản trị Fideco mua hơn 686.000 cổ phiếu và người liên quan là bà Lê Thị Ngân Nhi mua 1.350.000 cổ phiếu mà không công bố thông tin.
Trên sàn chứng khoán, thanh khoản mỗi ngày của cổ phiếu FDC không đáng kể, chỉ từ vài trăm đến vài nghìn đơn vị được chuyển nhượng. Ngày 11/6, cổ phiếu FDC không có giao dịch khớp lệnh, nhưng có giao dịch thỏa thuận gần 3,9 triệu cổ phiếu, cho thấy hai cổ đông nội bộ của Fideco đã mua theo hình thức giao dịch thỏa thuận.
Đáng chú ý, trước thềm đại hội cổ đông, hoạt động giao dịch thỏa thuận cổ phiếu diễn ra sôi động. Từ ngày 7 - 25/6, có khoảng 17 triệu cổ phiếu FDC được sang tay trên tổng số hơn 38,6 triệu cổ phần có quyền tham dự đại hội.
Ngoài hai cổ đông nội bộ nói trên, ngày 7/6, ông Hồ Anh Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Fideco công bố đã mua 1,85 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 6,2 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận trong ngày.
Cổ phiếu FDC có thanh khoản thấp trong thời gian dài nên giao dịch thỏa thuận trong tháng 6/2024 là giao dịch giữa các cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phiếu với nhau, nhưng không có cổ đông cá nhân lớn sở hữu trên 5% cổ phần nào xuất hiện sau các đợt chuyển nhượng khoảng một nửa số cổ phần tại Fideco.
Biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Fideco cho biết, có 30 người sở hữu và/hoặc đại diện cho hơn 36 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 93,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng tỷ lệ sở hữu dàn trải bởi không có nhà đầu tư cá nhân nào là cổ đông lớn. Theo báo cáo thường niên được công bố vào tháng 4/2024, Fideco có một cổ đông lớn là Công ty Chứng khoán Thành Công, sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,79%; số cổ phần nằm trong tay cổ đông cá nhân trong nước chiếm 87,8% vốn cổ phần của Công ty.
Fideco từng được Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Nhà Thủ Đức) nắm giữ cổ phần với tỷ lệ cao do kỳ vọng doanh nghiệp sở hữu dự án bất động sản tốt (cổ đông lớn này đã thoái vốn vào ngày 18/8/2023). Ngoài dự án 28 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, TP.HCM đang xây dựng, dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2024, Fideco còn sở hữu dự án Khu nhà ở huyện Cần Giờ, TP.HCM, quy mô 29,8 ha. Dự án này bị tạm dừng thực hiện từ năm 2000 do TP.HCM đề nghị tất cả dự án trên địa bàn huyện Cần Giờ phải chờ đến khi huyện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/5000 mới tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, từ năm 2022, sau khi các lãnh đạo cũ của Nhà Thủ Đức từ nhiệm ở Fedico, dự án ở Cần Giờ hầu như không có tiến triển. Báo cáo thường niên 2 năm qua chỉ nêu ngắn gọn, Công ty đã tiến hành làm hàng rào B40 phần tiếp giáp với các hộ dân để bảo vệ ranh đất dự án, chống hút cát và thực hiện báo cáo định kỳ của dự án cho các sở, ngành có liên quan theo yêu cầu.
Trong khi đó, dự án Khu nhà ở phường Bình Trưng Đông quy mô 5 ha gặp khó khăn do UBND Thành phố chưa chỉ định chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính thay thế cho Công ty Nhà Phú Nhuận (sau khi Thành phố lựa chọn chọn chủ đầu tư hạ tầng chính, Fedico sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành bồi thường giải tỏa phần diện tích đất còn lại của dự án và tiến hành các thủ tục tiếp theo để đưa vào khai thác).
Dự án hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Hưng Vượng Bến Lức cũng gặp khó khăn từ công tác thụ lý hồ sơ nên triển khai chậm so với hợp đồng ký kết.
Nhìn chung, các dự án của Fideco đều đang gặp khó khăn về pháp lý và chỉ được đề cập rất ngắn gọn trong báo cáo thường niên hàng năm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị công ty thì chỉ riêng Tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, quy mô 7 tầng trên khuôn viên 1.238 m2, với tổng diện tích sàn 6.394 m2 cũng đáng giá tương đương vốn điều lệ Fideco hiện tại.