Fed tăng lãi suất không gây xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Động thái bán ròng khá mạnh của khối ngoại những phiên gần đây khiến giới đầu tư lo ngại nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi TTCK Việt Nam trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất.
Fed tăng lãi suất không gây xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn xung quanh vấn đề này. 

Gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng, nhưng nhìn lại kết quả thu hút vốn ngoại trên TTCK 8 tháng đầu năm thì sao, thưa ông?

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.400 tỷ đồng, nhưng nếu loại trừ các giao dịch đối với cổ phiếu VIC thì khối ngoại mua ròng 3.200 tỷ đồng, giá trị này bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (cũng loại trừ giao dịch cổ phiếu VIC).

Đằng sau sự sụt giảm giá trị mua ròng của khối ngoại những tháng đầu năm nay có một nguyên nhân đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất khiến nhà đầu tư giảm vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Hai quỹ ETF tại Việt Nam đã bị rút 65 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái được rót vào 82 triệu USD. Nếu loại trừ giao dịch của ETF - vốn bị các yếu tố bên ngoài Việt Nam chi phối nhiều, thì giá trị mua ròng tính đến thời điểm hiện tại là xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, khoảng 4.700 tỷ đồng. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam vẫn duy trì ổn định.

Fed tăng lãi suất không gây xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh 

Có phải do khả năng Fed sắp tăng lãi suất mà khối ngoại đang có động thái bán ròng và điều này có tác động như thế nào đến thị trường trong ngắn hạn, theo ông?

Tôi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong các phiên gần đây ít bị chi phối bởi dự báo Fed nâng lãi suất. Kể từ tháng 7 tới nay, Quỹ VNM ETF - quỹ ETF huy động vốn tại Mỹ, không bị rút vốn. Khối ngoại tập trung bán ròng cổ phiếu trong một số ngành như sản xuất thực phẩm, xây dựng, dầu khí, ngân hàng.

Trong mỗi ngành này, lần lượt có một cổ phiếu bị bán ròng nổi bật là VNM, HBC, PVD, VCB. Lý do bán ròng ở các cổ phiếu này xuất phát từ yếu tố cơ bản, định giá hoặc cơ cấu lại danh mục, chứ không phải là do nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam.

Nếu nhìn dài hạn hơn đến cuối năm thì việc Fed nâng lãi suất sẽ có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ các quỹ ETF như đã xảy ra trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do tốc độ nâng lãi suất không nhanh, hoạt động rút vốn vì vậy cũng dàn trải và ngắt quãng, sẽ không gây xáo trộn lớn trên TTCK Việt Nam. 

Tại một số thị trường trong khu vực như Indonesia, Philippines…, nhà đầu tư ngoại duy trì trạng thái mua ròng, theo ông đâu là nguyên nhân?

Đặc điểm của các thị trường Indonesia hay Philippines là dòng vốn vào nhanh và cũng rút ra nhanh do độ mở thị trường lớn và chính sách quản lý ngoại hối. Do Fed liên tục trì hoãn nâng lãi suất nên giới đầu tư quốc tế có xu hướng quay lại các thị trường mới nổi để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trường hợp Fed quyết định nâng lãi suất, các thị trường này sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn Việt Nam. Với thị trường Việt Nam, như tôi đã nêu trên, nếu loại giao dịch cổ phiếu VIC và 2 quỹ ETF thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng, tương tự như cùng kỳ năm ngoái. 

Dự báo của ông về dòng vốn ngoại những tháng cuối năm như thế nào và xin ông chia sẻ cơ sở của những dự báo?

Tôi có quan điểm tương đối thận trọng về dòng vốn ngoại giai đoạn cuối năm. Ở phía tích cực, tôi thấy việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (room) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ thu hút vốn ngoại. Ở chiều ngược lại, rủi ro Fed nâng lãi suất có thể khiến dòng vốn ngoại chảy ra khỏi TTCK Việt Nam.

Theo ông, nên có thêm chính sách gì để thu hút dòng vốn ngoại?

Tôi thấy, nâng hạng TTCK Việt Nam là cần thiết. Việt Nam đang bị xếp ở hạng “thị trường cận biên” (Frontier Market), thấp hơn so với hạng “thị trường mới nổi (Emerging Market) do còn thiếu nhiều yếu tố về hạ tầng và đặc biệt là sự thông thoáng trong luân chuyển vốn vào/ra.

Cần một lộ trình rõ ràng, quyết tâm chính trị cao để thống nhất hành động giữa các cơ quan thì mới có thể nâng hạng TTCK Việt Nam lên “thị trường mới nổi” trong 3 - 4 năm tới. Khi trở thành thị trường mới nổi, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ dồi dào, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Ngọc Nhi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ