Đồng thuận giá vàng còn tăng
Sự lạc quan của vị này giúp không khí cuộc thảo luận bên lề sự kiện trở nên rôm rả hơn, khi mà giai đoạn trước đó, thị trường chứng khoán trong nước có nhịp giảm sâu trong bối cảnh vĩ mô chưa có nhiều diễn biến mới đáng kể. Sự lạc quan này, thực tế, cũng hiện diện ở không ít thành viên của cộng đồng nhà đầu tư.
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT cho rằng, xu hướng phục hồi kinh tế là không thể khác. Nhiều dữ kiện kinh tế Mỹ đang củng cố cho lập luận chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất trong kỳ họp diễn ra vào đầu tuần này và điều FIDT quan tâm nhất là tốc độ, độ dốc của việc hạ lãi suất. Nếu độ dốc lớn thì kinh tế Mỹ có thể đang hơi “ngộp” - đà hồi phục có thể chậm lại, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đầu tư cần quản trị rủi ro dòng vốn, có thể có sự gia tăng trở lại của fix-income (lợi tức cố định, như từ trái phiếu - PV) hoặc vàng. Còn nếu là kịch bản “hạ cánh mềm” của Fed, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Theo ông Huấn, về lý thuyết, giá vàng sẽ tăng tốt khi kinh tế suy thoái, ngược lại sẽ kém đi trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng (lưu ý xu hướng ngắn hạn) và FIDT giữ quan điểm trong năm 2024, giá vàng không hạ vì kỳ vọng Fed hạ lãi suất.
Các nhà đầu tư lớn ở kênh vàng đều đang rất tự tin rằng khi Mỹ hạ lãi suất, giá vàng chưa thể bước vào xu hướng giảm cho đến đầu năm 2025. Sau đó, câu chuyện kinh tế thế giới, địa chính trị sẽ quyết định diễn biến tiếp theo của giá vàng.
Hiện nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc Fed cũng như các ngân hàng trung ương khác hạ lãi suất thì thế giới sẽ quay về kỷ nguyên tiền rẻ như giai đoạn năm 2021. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, quan điểm này chưa chính xác, bởi việc hạ lãi suất mới là nới lỏng tiền tệ, chứ chưa phải bước vào kỷ nguyên tiền rẻ, nên nhà đầu tư cần tỉnh táo. Theo ông Khánh, ngoại trừ giá bất động sản đang ở vùng đáy có hồi lên, còn các kênh như vàng, chứng khoán, ngoại hối… vẫn đang ở mức “đỉnh của đỉnh”.
Ông Khánh nhìn nhận, thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục tăng nhưng để đi lên với tốc độ như đầu năm thì khó hơn. Việc giá vàng tăng trưởng trên 20 - 30% trong 1 năm là khá hiếm, nên xác suất giá vàng tăng vượt 3.000 USD/ounce, tức tăng trên 50% trong năm nay là rất thấp.
Thực tế cho thấy, việc một số ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy mạnh mua vàng, cơ cấu lại danh mục dự trữ của mình làm tăng cầu, đẩy giá vàng tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, liệu tới đây, họ có tiếp tục mua vào vàng hay không là điều khó dự đoán.
Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, việc giá vàng có tăng tiếp hay không ngoài việc phụ thuộc chi phí vốn, cơ cấu danh mục các nhà đầu tư, còn phụ thuộc vào hành động của các ngân hàng trung ương - họ cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Việc đầu tư vàng theo đó chịu rủi ro biến động khó lường.
Bất động sản: Ưu tiên phân khúc ở thật, tạo dòng tiền
Thị trường bất động sản Việt Nam có những xu hướng đặc thù, từ cuối năm 2023 đã có những tín hiệu hồi phục, tập trung ở phân khúc nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư hạng B và C. Ngoài ra, đất nền có sổ đỏ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các vùng phụ cận cũng có thanh khoản tích cực hơn.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, đây sẽ là những phân khúc tiếp tục hồi phục và dẫn dắt thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm. Nhưng có một số vấn đề trên thị trường như nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý chờ đợi và quan sát, chủ yếu do nhà đầu tư mạnh về vốn đang chờ thêm các tín hiệu phục hồi rõ nét của nền kinh tế; hai là sự khó khăn của thị trường khiến không ít nhà đầu tư mắc kẹt; ba là những khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, cam kết lợi nhuận, bảo lãnh lãi suất… Tất cả những điều này đã tạo nên sự suy giảm niềm tin. Đặc biệt, thông tin về tình hình tài chính khó khăn của nhiều chủ đầu tư đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Tổng hoà các yếu tố này, tâm lý nhà đầu tư bị đè nèn, khiến họ thận trọng hơn.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng dao động trong khoảng 5 - 6%/năm, vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bất động sản và chứng khoán đang là những kênh đầu tư đáng chú ý. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng hồi phục ở nhiều phân khúc, nhất là bất động sản khu công nghiệp, chung cư có mức giá phù hợp.
Trong góc nhìn của đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài sản và tư vấn đầu tư, FIDT nhìn nhận, từ cuối năm 2024, thị trường bất động sản mới hồi phục, bắt đầu từ trung tâm ra vùng ven, ở khu vực dân sinh cao nhất đến khu vực dân sinh ít hơn, rồi mới đến đầu cơ. Trong đó, nhà đất dân sinh, giá trị nhỏ tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, nhà đầu tư có thể mua vào ngay từ bây giờ. Còn phân khúc dân sinh ở vùng ven, hay có tính chất đầu cơ cao hơn như đất nông nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng thấp tầng là câu chuyện của cuối năm 2025, nên nhà đầu tư không cần phải vội.
“Thị trường chứng khoán chưa tăng mạnh mẽ thì bất động sản chưa thể bứt phá được. Thị trường bất động sản như cỗ xe tăng, chỉ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thu nhập kỳ vọng của xã hội tăng lên, lan toả trên diện rộng. Nói thẳng ra, lực lượng đầu cơ chỉ có thể có thủ thuật nào đó để kéo giá, chứ không thể tạo dòng tiền sôi động trên khắp thị trường được. Bất động sản chỉ mạnh khi kinh tế thịnh, mà kinh tế thịnh thì thị trường chứng khoán thường phản ánh tăng mạnh mẽ trước 3 - 6 tháng”, ông Huấn nói.
Khi thị trường khó khăn, phân khúc bất động sản được ưa chuộng nhất là bất động sản dòng tiền (như căn hộ có khả năng cho thuê, nhà phố khu vực trung tâm…), nên chỉ nên mua bất động sản có giá trị vừa phải. Nhà đầu tư bất động sản chưa dám “đầu cơ” ra vùng ven vì họ biết thanh khoản đang kém, “vào hàng” thì giá tốt còn “ra hàng” không chắc nhanh vì thị trường khó.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, bất động sản dù mới chỉ manh nha phục hồi song lại là kênh đầu tư rất đáng chú ý. Bởi lẽ, bất động sản là ngành đi theo tăng trưởng kinh tế, kinh tế đi lên thì bất động sản đi lên và ngược lại. Theo ông Nghĩa, nếu muốn đầu tư vào bất động sản thì nên mua lúc này vì thị trường sẽ đi lên trong 1 - 1,5 năm tới.
Việc Fed hạ lãi suất sẽ tạo dư địa duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong nước, tác động tích cực tới nhiều lớp tài sản |
Chứng khoán đã qua đoạn khó nhất, phù hợp tích luỹ
Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu đang hướng về cuộc họp của FOMC, diễn ra từ ngày 17 - 18/9, khi Fed khả năng cao sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ bằng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm. Cắt giảm 25 điểm cơ bản đang là kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, 50 điểm cơ bản, theo CME FedWatch, đang có xác suất tăng lên khá cao sau những dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan. Bên cạnh đó, cuộc họp quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày 20/9 tới cũng cần chú ý.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, một quyết định hạ lãi suất hoặc một thông điệp cứng rắn về khả năng hạ lãi suất trong thời gian còn lại của năm có thể khiến USD suy yếu thêm. Xu hướng đồng USD yếu sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để nhà điều hành thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp, kích thích đầu tư và tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao (6 - 7%) trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ trong phần còn lại của năm là rất lớn. Theo ước tính của Bộ Tài chính, thanh toán giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm mới đạt 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm mới đạt 6,25% và có thể có thêm 1 triệu tỷ đồng vốn tín dụng được bơm vào nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay.
Phản ứng của thị trường chứng khoán khi Fed hạ lãi suất liệu có mạnh như trước đây là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, trong chặng cuối tăng lãi suất của Fed (khoảng đầu năm 2023), đã không còn thấy thị trường phản ứng tiêu cực. Có nghĩa là, thị trường đã nhìn thấy được kịch bản “tăng lần cuối” và neo ngang lãi suất của Fed. Nếu thị trường thực sự lo ngại với những yếu tố về kinh tế thì đã có những số liệu việc làm hay biến động kinh tế khác, số liệu khác mới là mấu chốt của việc thị trường tăng hay giảm, mà không phải câu chuyện lãi suất.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, thị trường chứng khoán được cộng hưởng từ nền tảng lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng và yếu tố định giá, nên định giá có lợi từ câu chuyện hạ lãi suất. Lãi suất luôn là đầu vào của các phép định giá tài sản tài chính, trong đó có cổ phiếu.
Theo chia sẻ của bà Lam, mức độ ảnh hưởng của việc đồng Yên tăng giá, sau khi BOJ bất ngờ tăng lãi suất, là không lớn đối với các vị thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cho chỉ số VN-Index phục hồi trở lại vùng định giá cân bằng (P/E 14 - 15 lần) trong tháng 8 trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE ghi nhận đà tăng tích cực, cũng như triển vọng tăng trưởng cao trong nửa cuối năm khá vững chắc. Sang tháng 9, bối cảnh vĩ mô duy trì tích cực và việc tháo gỡ nút thắt nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng theo FTSE Russell nếu có tiến triển sẽ là những chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán trong nước duy trì động lượng phục hồi và quay lại xu hướng tăng.
VDSC nhận định FTSE Russell nhiều khả năng sẽ có những nhận xét tích cực đối với các nỗ lực của cơ quan quản lý xung quanh việc dự kiến bỏ quy định ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài trong kỳ đánh giá này và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi trong năm 2025 sẽ khả thi hơn khi quy định trên chính thức được ban hành và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có những nhận xét tích cực trong quá trình sử dụng các giải pháp pre-funding.
Về điểm số, bà Lam dự báo, VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.250 - 1.325 điểm trong tháng 9 nhằm đưa mức chênh lệch lợi tức giữa thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ 10 năm về tiệm cận giá trị trung bình 5 năm (3,6%, tương ứng với P/E 15,2 lần). Đây là mức thị trường đã chạm nhiều lần kể từ đầu năm 2024, khi tâm lý thị trường duy trì được động lượng tích cực.
Thời điểm này, theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, là chu kỳ sớm của chu kỳ hồi phục, dòng tiền đang “khó tính”. Đến giai đoạn bối cảnh vĩ mô rõ ràng hơn, kinh tế hồi phục tích cực, thoát khỏi những gì đang lo ngại, dòng tiền sẽ tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn, tức là dòng tiền “dễ tính” hơn thì sẽ nhìn thấy đà hồi phục tích cực của thị trường chứng khoán.
Ông Hiếu cho rằng, lợi nhuận các doanh nghiệp trên HOSE, loại bỏ nhóm ngân hàng và bất động sản, tạo đỉnh trong quý I/2021 (khoảng 55.000 tỷ đồng), sau đó đi xuống và tạo đáy vào quý IV/2022 (chỉ còn khoảng 13.000 tỷ đồng). Từ vùng đáy đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm này ghi nhận chu trình hồi phục 6 quý (dù một vài quý có chững lãi). Hiện tại, lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp sản xuất trên sàn HOSE trong mỗi quý đang ở vùng 35.000 - 40.000 tỷ đồng. Đà phục hồi lợi nhuận chung của nhóm này khá rõ ràng, nhưng rất phân hoá giữa các ngành nghề. Có ngành hồi phục lợi nhuận ngay từ quý I/2023 như thép, chứng khoán và có những ngành nghề tới quý I, quý II năm nay mới bắt đầu hồi phục như tiêu dùng, bán lẻ. Cũng có những ngành nghề đến nay vẫn chưa hồi phục. Theo đó, đà hồi phục của các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa lớn.
Khuyến nghị về đầu tư trong giai đoạn này, ông Phan Dũng Khánh ví von: “Theo kinh nghiệm hơn 24 năm đầu tư của tôi, chúng ta giống như bài hát “Thuyền và biển”. Nếu ví thị trường những lớp tài sản là thuyền, muốn giá tài sản lên thì cần có biển, có nghĩa phải có dòng nước đẩy lên, tức là dòng tiền. Vì vậy, cần quan sát dòng tiền chảy vào những nhóm tài sản nào, chảy vào những ngành nghề nào”.
Còn theo ông Huấn, rõ ràng, nền kinh tế đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và có nhiều dấu hiệu cho thấy đang bước vào giai đoạn “tiền hồi phục” - GDP tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh so với đáy thiết lập vào tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng đã quay lại trong năm 2024 sau khi đã chạm đáy trong 6 tháng đầu năm 2023… Trong giai đoạn tiền hồi phục (như 2012 - 2016), chứng khoán thường nằm trong xu hướng sideway biên rộng, nên giai đoạn 2023 - 2025 là giai đoạn tích luỹ của cổ phiếu. Trong giai đoạn này, FIDT cũng cho rằng, nên có tỷ trọng vừa phải, nếu có tham gia tốt ở các nhịp điều chỉnh thì lợi nhuận kỳ vọng sẽ khoảng 15 - 20%. Còn nhà đầu tư dài hạn cứ mua rải và có thể pha trộn với việc chốt lãi ở những pha có biến động vừa phải như trên, thay vì chờ đạt được lợi nhuận với biên rộng.
Dự báo được FIDT đưa ra, để thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh thì phải nhìn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và mốc này phải từ khoảng năm 2027.
Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB |
Chi phí cơ hội đầu tư vào vàng dự kiến sẽ giảm khi Fed cắt giảm lãi suất, do đó, kỳ vọng các tổ chức sẽ tiếp tục mua vàng trong những tháng tới. Đồng thời, bất ổn địa chính trị tại một số khu vực cũng thúc đẩy hoạt động mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Các tổ chức thường mua vàng thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF vàng), theo đó, lượng vàng nắm giữ của các ETF vàng cũng sẽ tăng.
Việc phân bổ dự trữ mạnh vào vàng của các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi và châu Á cũng là động lực tác động tích cực lên giá vàng. Chẳng hạn, theo cập nhật của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến tháng 5/2024, lượng vàng Trung Quốc nắm giữ đã tăng lên khoảng 2.300 tấn, xấp xỉ đạt 5% tổng dự trữ - tăng 20% so với mức 1.900 tấn vào 2 năm trước (2022).
Fed hiện nắm giữ khoảng 8.100 tấn vàng, khoảng 625 tỷ USD theo giá giao ngay hiện tại là khoảng 2.400 USD/ounce. Con số này chiếm khoảng 9% trong tổng bảng cân đối kế toán trị giá 7.200 tỷ USD của Mỹ.
Bất chấp các biến động gần đây trên thị trường toàn cầu với việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Yên, vàng vẫn là nơi trú ẩn ổn định của đồng vốn. Giá vàng hầu như không thay đổi so với mức 2.500 USD/ounce, tăng 25% so mức 2.000 USD/ounce vào đầu năm. Vàng cho thấy tiềm năng tươi sáng và giá có thể tăng lên 2.700 USD/ounce năm nay. Mặc dù có thể còn quá sớm để đánh giá, nhưng việc giá vàng tăng lên 3.000 USD/ounce trong dài hạn không phải là điều không thể.