Fed duy trì lãi suất thấp: Bước đầu của QE3?

(ĐTCK-online) Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dường như ngày càng có nhiều khả năng sẽ thực hiện một đợt kích thích tiền tệ nữa nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu đi.

Ngân hàng trung ương này đã hứa hẹn sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 trong một khoảng thời gian ít nhất là cho đến giữa năm 2013 và đang tìm hiểu về những lựa chọn khác để hỗ trợ nền kinh tế với sự phục hồi đang bị suy giảm.

Nếu tăng trưởng kinh tế chậm hơn nữa và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao, Chủ tịch Fed, Ben Bernanke có vẻ sẽ hành động, bất chấp sự phản đối của một số đồng nghiệp.

"Chúng tôi đã thấy một khả năng rất lớn là Fed sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012", các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một nghiên cứu của mình. "Ủy ban Thị trường mở của Fed có thể nới lỏng các chính sách hơn nữa, nếu các dự báo kinh tế cùng nghiêng về một trạng thái còn đáng thất vọnh hơn nữa".

Dự báo tháng 6 của Fed về tăng trưởng kinh tế từ 2,7% - 2,9% đã quá lạc quan, đặc biệt là sau khi các số liệu cho thấy hiệu suất sản xuất của nửa đầu năm nay đã yếu hơn nhiều so với những dự báo đầu tiên.

Trong một cuộc thăm dò của Reuters vào tuần này, các nhà kinh tế đang tìm kiếm một mức tăng khoảng 1,7% cho GDP năm 2011.

Khả năng về một đợt nới lỏng định lượng thứ 3 là chưa rõ ràng. Điều rõ ràng nhất hiện nay là Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu bằng các khoản đã đáo hạn trên cơ sở duy trì trạng thái của bảng cân đối tài sản, bất chấp bản chất gây tranh cãi của đợt nới lỏng tiền tệ lần 2.

Cam kết của Fed về việc giữ lãi suất ở mức thấp ít nhất là đến giữa năm 2013, cộng với thông báo rằng tổ chức này cũng đang tìm kiếm các lựa chọn chính sách khác, đã dẫn đến một sự phục hồi mạnh của cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu ngay sau đó lại tiếp tục giảm sâu, lần này là do những lo ngại rằng Pháp và hệ thống ngân hàng của nước này có thể là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Là một học giả của cuộc Đại khủng hoảng, ông Bernanke đã làm rõ rằng, ông thích việc mắc sai lầm trong khi làm quá nhiều việc, hơn là chỉ ngồi yên một chỗ, khi mà nền kinh tế đang suy yếu.

Do phục hồi yếu kém, dù có chính sách lãi suất bằng 0 của Fed và việc mua trái phiếu kho bạc trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, nhiều nhà kinh tế đã đặt câu hỏi liệu chính sách tiền tệ có thể hiệu quả trong môi trường hiện tại hay không. Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng, Fed còn có thể làm được nhiều hơn thế. Nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu, đe dọa giảm phát, đó sẽ là điều khiến Bernanke và các đồng nghiệp có thể xem xét khả năng nới lỏng tiền tệ.

"Fed không thể hết dự trữ, miễn là nó có thể mua các tài sản bằng cách in tiền", ông Arnold Kling, học giả của Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason nói.

"Fed cần phải cố gắng để mở rộng nguồn cung tiền. Nếu có thể thì thêm một chút lạm phát sẽ là một  điều tốt".

Tuy nhiên, đẩy giá cao hơn là một khó khăn đối với mọi người, do đó một số nhà phân tích gợi ý Fed đóng khung những tranh luận của mình trong vấn đề việc làm. Tạo ra lạm phát và tăng ưu đãi cho những người ra ngoài và chi tiêu có thể là một chất kích thích khiến các doanh nghiệp tăng đầu tư và thuê nhân công mới.

Các bước chính sách trái với thông lệ này của Fed không phải không có rủi ro, đó là lý do tại sao chúng lại gợi ra cả những cuộc tranh luận bên ngoài và bất đồng chính kiến bên trong. Ba chủ tịch khu vực của Fed từ Dallas, Minneapolis và Philadelphia, những người đã hoài nghi về QE2, đã bỏ phiếu trống đối với đề xuất giữ lãi suất gần bằng 0 cho tới giữa năm 2013. Một số chủ tịch khu vực khác của Fed không có tiếng nói trong việc bỏ phiếu chính sách của Fed năm nay cũng có thể cảm thấy như vậy.

"Với xu hướng lạm phát hiện nay, kích thích tiền tệ bổ sung vào thời điểm này dường như có khả năng nâng cao lạm phát đến mức không mong muốn và không có tác dụng để thúc đẩy tăng trưởng thực sự", Chủ tịch Fed tại Richmond, ông Jeffrey Lacker phát biểu hai tuần trước đây.

Chủ tịch Fed tại St Louis, ông James Bullard, người gần đây đã cho biết ông sẽ hỗ trợ thêm cho Fed hành động nếu nền kinh tế suy yếu, cũng có một số nghi ngờ về việc giữ lãi suất siêu thấp trong một thời gian dài. Bullard lập luận rằng, nếu việc Fed sử dụng cụm từ "giai đoạn mở rộng" cho khung thời gian của mức lãi suất thấp có thể khiến người tiêu dùng nản chí về tương lai.


Hợp Trang (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục