Fed đứng trước bước ngoặt lịch sử mới

(ĐTCK) Ngày 23/12/2013, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tròn 100 tuổi. Đến lúc để nhịn lại một thế kỷ, và điểm đặc biệt là tương lai mở ra sẽ do một phụ nữ quyết định.  
Janet Yellen Janet Yellen

Cách đây đúng 1 thế kỷ, vào ngày 23/12/1913, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Woodrow Wilson đã ký phê chuẩn dự luật Federal Reserve Act, thành lập Fed. Cho dù phải trải qua không ít thăng trầm, song giờ đây, khỏi phải bàn cãi, Fed đã trở thành một định chế tài chính có quyền lực bậc nhất thế giới.

Một điều thú vị là, đúng vào dịp này, cũng là lúc gần như chắc chắn 100% lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Fed sẽ có vị chủ tịch là nữ.

Thượng nghị viện Mỹ với 59 phiếu thuận và 34 phiếu chống cũng vừa chính thức thông qua đề cử bà Janet Yellen, 67 tuổi, hiện là Phó chủ tịch Fed vào chức Chủ tịch. Vào ngày 6/1/2014, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thông qua chỉ còn là một thủ tục. Và như vậy, bắt đầu từ ngày 1/2/2014, bà Janet Yellen sẽ chính thức nắm quyền điều hành Fed.

Giới đầu tư- kinh doanh và báo giới Mỹ nhận định rằng, Fed đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới.

Khác với nhiều nước trên thế giới, lễ kỷ niệm 100 ngày ra đời của Fed diễn ra rất giản dị, gọn nhẹ. Thế nhưng, đây là dịp để giới học thuật về tài chính - ngân hàng công bố các đầu sách mổ xẻ thành công cũng như những yếu kém kèm theo nhiều bài học kinh nghiệm của Fed trong 100 năm qua.

Xuất bản gần đây nhất là cuốn sách có tựa đề nguyên văn tiếng Anh The Alchemists: Three Central Bankers and a World on Fire (tạm dịch Các nhà giả kim thuật: 3 vị lãnh đạo ngân hàng Trung ương và thế giới trong cơn nước sôi lửa bỏng) của tác giả Neil Irwin.

Cuốn sách đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bên cạnh nhiều thông tin kèm theo những phân tích, đánh giá về các thăng trầm của Fed suốt 1 thế kỷ qua, ông Neil Irwin còn nêu bật một thực tế rõ ràng là, Fed chỉ bao gồm một nhóm nhỏ các nhà kinh tế không được lựa chọn thông qua bầu cử, nhưng lại quyết định những chính sách có liên quan mật thiết đến từng người dân Mỹ và thậm chí có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới.

Theo nhiều nhà phân tích, bà Janet Yellen hội đủ mọi điều kiện để dẫn dắt Fed thành công và dường như mọi việc đều rất ủng hộ bà.

Trước hết, cách đây vài tháng, trong cuộc đua cuối cùng vào chức Chủ tịch Fed giữa bà với ông Larry Summers, nhiều người đặt cược bà sẽ thua cuộc.

Ông Larry Summers, nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, thân cận và có ảnh hưởng với Tổng thống Mỹ Barack Obama hơn bà, hơn nữa lại trẻ hơn (mới 59 tuổi). Giữa 2 người thì ông Larry Summers nổi tiếng hơn bà trên nhiều phương diện.

Trong mắt rất nhiều người, ông Larry Summers là ngôi sao sáng. 16 tuổi, ông đã bước chân vào Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) nổi tiếng, sau khi tốt nghiệp đại học 3 năm, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Năm 27 tuổi, ông được Đại học Harvard lừng danh chọn làm giảng viên. Năm 44 tuổi, ông trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ, rồi năm 46 tuổi được bầu làm Chủ tịch Đại học Harvard…

Thế nhưng, giữa tháng 9/2013, ông Larry Summers đã tự ý xin rút lui vì nhiều lý do khác nhau. Như vậy, bà Janet Yellen đã gặp may khi không phải “thi đấu” trực tiếp với Larry Summers và đương nhiên nhờ đó, bà trở thành ứng viên sáng giá nhất.

Gặp may, song không có nghĩa là bà không giỏi.

Theo nhiều nhà phân tích, bà Janet Yellen hội đủ mọi điều kiện cần và đủ để làm tốt nhiệm vụ của Chủ tịch Fed và có thể sẽ làm được nhiều chuyện vượt xa các vị tiền nhiệm.

Thứ nhất, bà đã có hơn 3 năm làm Phó chủ tịch Fed (từ năm 2010 đến nay), 6 năm lãnh đạo Chi nhánh Fed tại San Francisco, nên đã có nhiều kinh nghiệm về cách thức vận hành của Fed. Trừ ông Alan Greenspan, các vị Chủ tịch Fed trước đây đều không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu năm như bà.

Thứ hai, bà được đào tạo rất cơ bản về kinh tế. Sau khi có bằng cử nhân về kinh tế của Đại học Brown, năm 1971, bà đã có bằng tiến sỹ về kinh tế của Đại học nổi tiếng Yale. Tiếp đến, bà đã nhiều năm làm công tác giảng dạy về kinh tế tại Đại học California ở Berkeley và Đại học Harvard.

Thứ ba, bà cũng có nhiều mối quan hệ với các chính khách. Do đã từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nên bà đã xây dựng được không ít mối quan hệ với chính khách của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà. Đây là một thuận lợi không thể xem nhẹ.

Cuối cùng, bà chắc chắn sẽ thường xuyên nhận được những lời tư vấn quý báu, lời khuyên sáng giá của chồng là ông George Akerlof. Ông là nhà kinh tế học tài ba, đã từng được nhận Giải Nobel về kinh tế năm 2001 về công trình liên quan tới thông tin bất đối xứng.

Nói tóm lại, bà Janet Yellen chính là yếu tố có thể tạo nên dấu ấn lớn và bước ngoặt ở Fed.       


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục