Chuyên gia Mislav Matejka của Ngân hàng đầu tư JP Morgan cho rằng, cơ chế chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến những thay đổi nền tảng. Châu Âu và Nhật Bản từng là trung tâm của dòng chảy vốn hồi năm ngoái, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ và hạ thấp đồng nội tệ trong nỗ lực đối phó với nguy cơ giảm phát. Tuy nhiên, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) tuần trước, đã làm thay đổi cuộc chơi này.
Việc Fed giữ nguyên lãi suất không nằm ngoài dự đoán, song điều gây bất ngờ là Fed thông báo sẽ chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm nay, thay vì bốn lần như kế hoạch được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Chính thông báo này đã gây tác động mạnh lên đồng USD, khiến tỷ giá đồng bạc xanh có lúc tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Sự thay đổi định hướng đó không hợp với logic thực tế, khi mà các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang khá mạnh, với thị trường lao động ổn định. Do đó, lý do dẫn đến sự thay đổi định hướng đột ngột này có vẻ như không có liên quan đến nền kinh tế Mỹ, mà chủ yếu là do những tác động của quyết định tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Trung Quốc.
Fed nhận thấy chìa khóa để duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới, đó là giữ cho đồng USD yếu để không gây áp lực giảm giá lên đồng NDT và Trung Quốc sẽ không phải sử dụng kho dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng nội tệ, đồng thời các thị trường cũng sẽ không hoảng loạn và mối nguy hiểm đối với các hệ thống ngân hàng cũng được dịu bớt.
Tháng 12/2015, Fed đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên. Đồng USD đã mạnh suốt 18 tháng trước đó lại càng mạnh hơn nữa. Và ngay sau đó, các nền kinh tế thế giới đã rơi vào tình trạng bất ổn đúng như dự đoán.
Theo chuyên gia Mislav Matejka, việc đồng Euro và yen Nhật mạnh lên so với USD là một vấn đề đối với châu Âu và Nhật Bản, không có lợi cho các công ty xuất khẩu tại hai nền kinh tế này. Trên cơ sở đó, JPMorgan mới đây đã hạ triển vọng của chứng khoán Nhật Bản và duy trì mức “trung lập” đối với chứng khoán khu vực Eurozone. Thay vì chuyển hướng sang cổ phiếu Mỹ, ngân hàng đầu tư này tin rằng, các thị trường đang phát triển sẽ là lựa chọn tốt hơn trong bối cảnh đồng USD yếu đi.
Chỉ số chứng khoán MSCI tại các nền kinh tế đang phát triển hiện đã tăng trên 4% trong năm nay, trong khi chỉ số tại hầu hết các thị trường phát triển phải vật lộn để duy trì ngưỡng “tích cực”. Đây thực sự là bước ngoặt mạnh mẽ so với mức sụt giảm 16% của năm ngoái, thời điểm các nhà đầu tư mua vào đồng USD với hy vọng sẽ thu được lợi suất cao hơn khi đồng bạc xanh tăng giá.
Đánh giá về ảnh hưởng của chính sách của Fed trong thời gian tới đối với các thị trường tài chính và cổ phiếu, hiện có hai luồng dư luận trái chiều xung quanh việc Fed có nên vì các yếu tố bên ngoài mà tiếp tục giữ nguyên lãi suất.
Một bên lập luận rằng, nếu như Fed không thực hiện đúng bổn phận của mình và coi trọng nền kinh tế thế giới hơn nền kinh tế Mỹ, đồng USD sẽ giữ vị trí thống trị tuyệt đối tại nhiều nơi trên khắp thế giới, và điều này rất nguy hiểm cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng những biến động của nền kinh tế thế giới hồi đầu năm cũng gây phương hại tới thị trường chứng khoán Mỹ, bởi lẽ những lợi ích của nước Mỹ và của các nền kinh tế thế giới có mối liên quan chặt chẽ với nhau.