Fed chưa tăng lãi suất, nguy cơ vẫn còn

(ĐTCK) Những đồn đoán của thị trường toàn cầu trước khả năng Fed tăng lãi suất USD lần đầu tiên kể từ năm 2006 đã có câu trả lời vào sáng nay là không tăng. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn...
Chủ tịch Fed Janet Yellen Chủ tịch Fed Janet Yellen

Cho đến ngày hôm qua, giới phân tích cho rằng, có khả năng ban lãnh đạo Fed sẽ tiếp tục lùi thời điểm nâng lãi suất cơ bản, vốn đang ở mức thấp gần như bằng 0%. Tuy nhiên, thời gian trì hoãn này được cho là sẽ không kéo dài lâu và chắc chắn sớm hay muộn, Ngân hàng Trung ương của Mỹ cũng sẽ điều chỉnh nâng lãi suất. Vậy chuyện gì xảy ra một khi lãi suất của Mỹ được điều chỉnh? Trước mắt, việc tăng lãi suất sẽ tác động tới thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu và đẩy kinh tế Mỹ đứng trước những rủi ro mới.

Lịch sử đã chứng minh, một cuộc suy thoái có khả năng xảy ra nhanh nhất sau 11 tháng và lâu nhất sau 86 tháng, sau khi lãi suất được điều chỉnh tăng.

Bản thân các quan chức Fed luôn nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư không nên quá chú trọng vào thời điểm khi nào Fed bắt đầu nâng lãi suất, mà thay vào đó là lộ trình bình thường hóa chính sách lãi suất sẽ diễn ra trong bao lâu.

Julian Jessop, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics đánh giá: “Đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ được coi là dấu hiệu không thể tránh khỏi của sự chấm dứt kỷ nguyên “tiền rẻ”. Chúng tôi không trông đợi về khả năng lãi suất tăng từ từ theo hướng bình thường hóa, song tin rằng lãi suất vẫn sẽ giữ ở mức thấp để tránh những cú sốc đột ngột như nhiều người vẫn lo sợ”.

Dưới đây là những lĩnh vực kinh tế có thể chịu tác động trực tiếp từ việc tăng lãi suất, dựa trên các dữ liệu lịch sử: 

Cổ phiếu

Quan sát những biến động trên TTCK Mỹ trong vòng một tháng qua, việc tăng lãi suất tại thời điểm hiện tại có thể khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục biến động trong một thời gian, song tác động sẽ không quá mạnh.

“Xu hướng là lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu có thể giảm trong giai đoạn 12-24 tháng sau khi lãi suất tăng lần đầu tiên, phản ánh độ trễ trong chính sách tiền tệ”, các nhà phân tích của Ngân hàng Deutsche Bank đánh giá trong một nghiên cứu gần đây.

Đáng chú ý, theo các số liệu thống kê đã ghi nhận, TTCK Mỹ trong vòng 35 năm qua thường có xu hướng tăng điểm, vào khoảng 14%, trước các đợt tăng lãi suất; tăng nhẹ trong 250 ngày tiếp theo (với mức tăng trung bình 2,6%), sau đó trở lại bình thường sau 500 ngày, với lợi suất cổ phiếu trung bình 14,4%, theo phân tích của Bob Doll, nhà chiến lược cổ phiếu trưởng tại Neveen Asset Management.

Trong khi đó, Ngân hàng Deutsche cho rằng, tác động tới cổ phiếu có xu hướng diễn ra chậm hơn trong chu kỳ tăng lãi suất và lợi suất cổ phiếu bắt đầu giảm dần.

GDP

Suy thoái là một thực tế của đời sống kinh tế và tăng lãi suất thường là nhân tố trợ giúp điều này. Trong bối cảnh hiện nay, Fed đang đối mặt với một số điều kiện chưa từng tồn tại trước đây và có thể đẩy nhanh một cuộc suy thoái xảy ra. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ ở mức gần thấp nhất khi Fed tăng lãi suất.

Theo Deutsche Bank, tăng lãi suất trong bối cảnh môi trường kinh tế còn mong manh là đầy rủi ro và châm ngòi cho những tranh cãi “liệu thời điểm này có phù hợp và tạo sự khác biệt hay không”.

Tuy nhiên, chu kỳ hiện tại là dài nhất, khi Fed đã phải chờ đợi kể từ khi khủng hoảng chấm dứt. Kỷ lục trước đây là nâng lãi suất sau 35 tháng khi khủng hoảng chấm dứt, hiện nay là 74 tháng và vẫn còn tiếp diễn. 

Trái phiếu và doanh nghiệp

Đối với trái phiếu, sự điều chỉnh lãi suất tại cuối chu kỳ sẽ khiến lợi suất trái phiếu giảm ngay lập tức. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài và ngắn sẽ xích lại gần nhau hơn, thu hẹp biên độ lãi suất.

Việc đồng USD mạnh lên và sự sụt giảm dự báo lạm phát, có dấu hiệu cho thấy các thị trường đã phải điều chỉnh để thích ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Nói rộng hơn, các công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu tại Mỹ sẽ có lợi khi lãi suất tăng và sản phẩm bán ra trong nước trở nên thu hút hơn. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia với số nợ lớn sẽ càng gặp khó khăn hơn, khi đồng USD tăng giá khiến sản phẩm của họ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường toàn cầu.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục