(Tiếp theo kỳ trước)
Trạng thái phát triển không đều giữa các vùng
Trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2016, trong 63 tỉnh và thành phố, chỉ có 13 địa phương có đóng góp vào ngân sách trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.
Đó là những địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI. Trong năm 2017 và những năm sắp đến, sẽ có một số tỉnh là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Nam và Hà Tĩnh sẽ gia nhập nhóm địa phương điều tiết về ngân sách trung ương do một số công trình đầu tư quy mô lớn được đưa vào vận hành.
Trong tổng số thu NSNN năm 2016 hơn 1 triệu tỷ đồng, thì 14 tỉnh miền núi phía Bắc đóng góp 3,6%; 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp trên 4,5%; 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gần 11%; 5 tỉnh Tây Nguyên đóng góp chưa đến 1,4%.
Như vậy, đã nảy sinh vấn đề phát triển không đều giữa các địa phương và vùng kinh tế. Những tỉnh và thành phố thu hút nhiều FDI và vốn đầu tư trong nước thì tăng trưởng với tốc độ cao, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, các địa phương khác vẫn trong tình trạng kém phát triển, dựa chủ yếu vào nông nghiệp và khai thác tài nguyên.
Để khắc phục trạng thái phát triển không đều, cần có quan điểm đúng về thu ngân sách của các địa phương, cũng như đóng góp của các thành phố và tỉnh vào ngân sách trung ương.
Việc điều tiết NSNN từ một số tỉnh, thành phố để phân phối lại cho những địa phương khác là cần thiết trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, kéo dài tình trạng cả nước chỉ có 13 địa phương điều tiết về ngân sách trung ương là nhược điểm lớn. Do vậy, trong chiến lược phát triển đất nước, phải coi việc tăng dần số tỉnh và thành phố tham gia nhóm này là mục tiêu phấn đấu của từng địa phương và của cả nước.
Nước ta cũng như các quốc gia khác có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên và xã hội giữa các vùng. Hà Nội là Thủ đô và TP.HCM là trung tâm kinh tế của Nam Bộ, nên được tập trung vốn đầu tư với chính sách và cơ chế đặc biệt.
Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là ba thành phố trực thuộc trung ương, hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển khá đồng bộ. Những tỉnh tiếp giáp các trung tâm kinh tế lớn có điều kiện thuận lợi nên thu hút được nhiều FDI và vốn trong nước, do đó đã đạt được trình độ phát triển cao hơn những địa phương miền núi, vùng kinh tế khó khăn.
Trạng thái phát triển không đều giữa các vùng là khó tránh. Vấn đề đặt ra không phải là cào bằng, mà không để tạo ra chênh lệch quá lớn, càng không được nới rộng khoảng cách về trình độ phát triển. Cần phải thu hẹp đến mức hợp lý bằng cách tạo điều kiện để tốc độ tăng trưởng kinh tế các vùng kém phát triển cao hơn tốc độ trung bình của cả nước, nhằm thu hẹp dần, tiến tới từng tỉnh không những thu đủ chi, mà có thể đóng góp vào thu ngân sách trung ương.
Không nên nhận định “gánh nặng thu NSNN đặt lên TP.HCM, Hà Nội...; trợ cấp ngân sách tạo ra sự ỷ lại của địa phương”, vì không tỉnh nào không muốn phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh để tạo nguồn thu tại chỗ, cân bằng thu chi và tiến tới đóng góp vào ngân sách trung ương.
Cần sự cộng hưởng của 4 nhân tố
Đầu tư và phát triển có tác dụng nhân quả, để những vùng kinh tế kém phát triển đạt được tốc độ tăng trưởng cao thì cần thu hút nhiều vốn đầu tư vào các dự án quan trọng. FDI là đầu tư tư nhân của nước ngoài, nên dù có chính sách ưu đãi cao nhưng không dễ khuyến khích họ đến thực hiện dự án ở những vùng giao thông không thuận lợi, điều kiện sống và làm việc thiếu thốn.
Vì thế, các địa phương này cần tập trung thu hút đầu tư trong nước; đến giai đoạn phát triển cao hơn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt hơn, sẽ thu hút thêm FDI.
Chiến lược phát triển của địa phương và vùng kinh tế kém phát triển cần dựa vào sự cộng hưởng của 4 nhân tố:
Thứ nhất, từng tỉnh phải khai thác lợi thế khác biệt và tiềm năng của địa phương, trong khung khổ luật pháp đề ra cơ chế khuyến khích đầu tư trong nước, tập trung vận động các tập đoàn kinh tế lớn thực hiện những dự án quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị để trong từng kế hoạch trung hạn làm thay đổi bộ mặt của tỉnh, từ đó tạo điều kiện thu hút nhiều FDI.
Thứ hai, hợp tác phát triển giữa các tỉnh và thành phố trong từng vùng, khắc phục tình trạng mỗi tỉnh là “một vương quốc” có nhiều dự án đầu tư tương tự nhau; phân công và hợp tác giữa các tỉnh để phát huy lợi thế của từng vùng trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Không nên nhận định “gánh nặng thu NSNN đặt lên TP.HCM, Hà Nội...; trợ cấp ngân sách tạo ra sự ỷ lại của địa phương”
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Tây Nguyên diễn ra ngày 11/3/ 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh to lớn... phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á trong thế kỷ XXI”.
Thứ ba, các tập đoàn kinh tế và cơ quan nhà nước như điện lực, bưu chính - viễn thông, giao thông - vận tải, giáo dục và đào tạo, y tế cần phân bổ hợp lý vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng giao thông, trường học, cơ sở y tế, điện nước, trung tâm thông tin, tạo tiền đề thu hút vốn trong nước và tiến tới thu hút nhiều FDI. Những địa phương có trình độ phát triển cao như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... cần mở rộng quan hệ hợp tác với từng tỉnh còn kém phát triển bằng nhiều phương thức để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của vùng khó khăn.
Thứ tư, Chính phủ cần coi việc xích gần trình độ phát triển giữa các vùng là một mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển bền vững, đề ra chỉ tiêu phấn đấu và đánh giá việc thực hiện trong từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, cần bố trí vốn đầu tư công thỏa đáng, có chính sách ưu đãi cao và cơ chế đủ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở vùng kinh tế khó khăn.
Để kinh tế vùng được hình thành như chủ trương của Nhà nước, cần nghiên cứu từ kinh nghiệm của nước ngoài, cũng như thực tiễn của nước ta từ khi thành lập Ban chỉ đạo vùng để xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong từng vùng, nhằm nâng cao hơn nữa sự phân công và hợp tác giữa các tỉnh và thành phố trong từng vùng.