FDI Hàn Quốc ‘thế hệ thứ ba’ dồn dập vào Việt Nam

Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh, mạnh trong thời gian tới, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết.
Sau hàng loạt dự án đầu tư tại Việt Nam, mới đây, Lotte đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án 2 tỷ USD tại TP.HCM. Ảnh: Hà Thanh Sau hàng loạt dự án đầu tư tại Việt Nam, mới đây, Lotte đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án 2 tỷ USD tại TP.HCM. Ảnh: Hà Thanh

Ngay cả nếu không nhắc đến chuyện Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung TP.HCM - Việt Nam (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, sẽ chính thức được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào sáng nay, 19/5, động thái gần đây cũng cho thấy, một làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, nhất là khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết mới đây.

“Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực và đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi chọn Việt Nam để xây dựng thêm nhà máy của mình”, ông Kim Duk Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty KMW Hàn Quốc đã nói như vậy tại Lễ khởi công dự án 100 triệu USD, chuyên sản xuất thiết bị viễn thông và đèn LED chiếu sáng của KMW tại Hà Nam hôm 13/5.

Cũng tại buổi lễ đó, không chỉ Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, mà cả Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo cũng đều nhắc đến các cơ hội thu hút đầu tư từ Hàn Quốc sau khi FTA song phương được ký kết.

Trong khi đó, một cách cụ thể hơn, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ vẫn được các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được quan tâm.

“Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, nhưng sau khi FTA được ký kết, số lượng này sẽ tăng lên nhiều hơn. Họ đã đến tìm cơ hội và muốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam để xuất trở lại Hàn Quốc. Với các lĩnh vực khác cũng vậy”, ông Hong Sun nói và cho rằng, nếu chỉ sản xuất và hướng vào thị trường Việt Nam thì không đủ, nên các nhà đầu tư sẽ hướng tới việc sản xuất để xuất ngược trở lại Hàn Quốc, khi được hưởng lợi từ thuế suất thấp theo cam kết FTA.

Thực tế, sau các khoản đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc, thuộc thế hệ đầu tư thứ nhất, như Kumho Asiana, Posco, Daewoo, thậm chí là cả Samsung..., thì những năm gần đây, thế hệ nhà đầu tư thứ hai đã xuất hiện, với hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, LG, Lotte, CJ... và hàng loạt dự án quy mô lớn, trị giá hàng tỷ USD.

Chẳng hạn, Samsung hiện đã đầu tư 11,2 tỷ USD tại Việt Nam và vẫn đang lên kế hoạch cho việc đầu tư vào các dự án năng lượng, đóng tàu, sân bay... Ngày mai, SEHC chính thức được khởi công xây dựng, trong khi Samsung Display đang tính chuyện mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Còn Lotte sau hàng loạt dự án ở Việt Nam, mới đây cũng đã đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án 2 tỷ USD tại TP.HCM mang tên Eco Smart City. Với CJ, cùng với lĩnh vực giải trí cũng quan tâm các dự án nông nghiệp ở Việt Nam...

Chính các dự án quy mô lớn này ở một góc độ khác lại là cú hích, cộng hưởng tác động FTA Việt Nam - Hàn Quốc để lôi kéo nhà đầu tư Hàn Quốc “thế hệ thứ ba” vào Việt Nam. Trong số này, ngoài các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thì theo ông Hong Sun, dệt may cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc.

“Do FTA giữa hai nước cho phép nguyên phụ liệu cho lĩnh vực may mặc nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam có mức thuế rất thấp, nên sẽ khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này để xuất hàng trở lại Hàn Quốc và sang các thị trường khác nữa”, ông Hong Sun nhận định.

Cứ nhìn vào việc hàng loạt dự án dệt may gần đây do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam là có thể đồng tình với quan điểm trên của ông Hong Sun. Chẳng hạn, Dự án sản xuất sợi công nghiệp các loại, vốn đầu tư 660 triệu USD của Hyosung, tại Đồng Nai. Dù dự án này được tính cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất đó là dự án của một nhà đầu tư Hàn Quốc.

Chưa kể, là dự án dệt may Panko ở Quảng Nam, vốn đầu tư 30 triệu USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư cách đây chưa lâu. Hay loạt các dự án của In Kyung Apparel Co.Kr, vốn đầu tư 5,1 triệu USD; của S&H Vina, vốn đầu tư 20 triệu USD; rồi Việt Pan - Pacific, vốn đầu tư 8,5 triệu USD ở Thanh Hóa…

Trong khi đó, ACE Technology mới đây cũng đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Hà Nam kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất ăng-ten không dây cho smartphone với số vốn 70 triệu USD.

“Những nhà đầu tư Hàn Quốc đã có dự án nhưng chưa triển khai; hoặc các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội và đang phân vân cũng sẽ vì cú hích FTA Việt Nam - Hàn Quốc mà quyết định đầu tư tại Việt Nam”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bình luận như vậy và cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội không chỉ là thúc đẩy đầu tư, mà còn là thương mại song phương.

“Vấn đề là Việt Nam có tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tận dụng được cơ hội này hay không”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và đồng thời nhắc tới tính hai mặt của FTA, tức là cùng với cơ hội sẽ là thách thức.

Tương tự, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, không thể đặt đơn lẻ FTA Việt Nam - Hàn Quốc, mà phải đặt trong bối cảnh năm nay Việt Nam cũng ký hàng loạt FTA với các đối tác khác, trong đó có TPP, cũng như việc cuối năm nay, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Có nghĩa là, thị trường Việt Nam không bị bó hẹp nữa, mà mở rộng hơn. “Như vậy, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư không chỉ từ Hàn Quốc”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Nguyên Đức
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục