Trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trở lại với những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới.
Ngoài sự sụt giảm của giá dầu, việc chỉ số PMI dù tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn có tháng thứ 4 liên tiếp dưới mức 50 cũng tác động tiêu cực tới nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, chỉ số PMI tháng 1/2016 của Mỹ đứng ở mức 48,2 so với mức 48 của tháng trước.
Sự sụt giảm của giá dầu khiến phố Wall giảm mạnh khi mở cửa và duy trì sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan của Facebook và Alphabet, công ty mẹ của Google đã giúp các cổ phiếu internet tăng mạnh, giúp phố Wall đảo chiều và có lúc đã có sắc xanh. Dù vậy, D ow Jones và S&P 500 không thể giữ được đà tăng, trong khi Nasdaq đóng cửa với mức tăng nhẹ.
Với phiên tăng mạnh hơn 9%, Alphabet đã trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, vượt qua Apple.
Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Dow Jones giảm 17,12 điểm (-0,10%), xuống 16.449,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,86 điểm (-0,04%), xuống 1.939,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,41 điểm (+0,14%), lên 4.620,37 điểm.
Không may mắn như phố Wall, chứng khoán châu Âu ngoại chịu ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm mạnh, còn chịu tác động của nhóm cổ phiếu thiết bị viễn thông khi nhà đầu tư thất vọng về điều khoản của thỏa thuận giữa Nokia và Sumsung để giải quyết 1 tranh chấp pháp lý.
Ngoài ra, chỉ số PMI của khu vực euro vừa công bố đứng ở mức 52,3 so với mức 53,2 của tháng 12/2015.
Những tác động này khiến các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu giảm khá mạnh, dù khởi đầu trong sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 1/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 23,69 điểm (-0,39%), xuống 6.060,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,23 điểm (-0,41%), xuống 9.757,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 24,69 điểm (-0,56%), xuống 4.392,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cuối tuần trước tiếp tục hỗ trợ cho chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp trong phiên đầu tuần mới, lên mức cao nhất gần 1 tháng.
Trong khi đó, do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc đại lục khi dữ liệu mới công bố cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 1/2016 giảm mạnh hơn dự kiến, xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi, chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên đầu tuần.
Cụ thể, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 1/2016 giảm xuống mức 49,4 từ mức 49,7 của tháng 12/2015 và thấp hơn mức dự báo 49,6 của giới chuyên gia.
Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 346,93 điểm (+1,98%), lên 17.865,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 87,61 điểm (-0,45%), xuống 19.595,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 48,74 điểm (-1,78%), xuống 2.688,86 điểm.
Lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu giúp vai trò trú ẩn của vàng được nâng lên và đẩy giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên đầu tuần, lên mức cao nhất 3 tháng.
Kết thúc phiên 1/2, giá vàng giao ngay tăng 10,2 USD (+0,91%), lên 1.128,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 9,9 USD (+0,89%), lên 1.127,9 USD/ounce.
Như đã đề cập ở trên, lo ngại về kinh tế Trung Quốc, giá dầu thô giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, bất chấp OPEC và Nga, những nhà sản xuất lớn có thể đàm phán về việc cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 1/2, giá dầu thô Mỹ giảm 2 USD/thùng (-6,33%), xuống 31,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,05 USD (-0,14%), xuống 34,69 USD/thùng.