Các nhà phân tích và các chuyên gia kinh tế thảo luận sôi nổi về ý nghĩa "địa chính trị" khi Trung Quốc tung ra một loại tiền ảo đối thủ của Libra, đặc biệt là trong trường hợp Facebook không đàm phán thành công với các nhà quản lý Mỹ.
Không chỉ gặp khó khăn với các cơ quan quản lý, mới đây, Libra còn mất cả hệ thống thanh toán của PayPal, VISA và MasterCard. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với tương lai của dự án tiền ảo đầy tham vọng do Facebook khởi xướng.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố, họ đang làm việc để ra mắt một loại tiền điện tử dựa trên nhân dân tệ, được lấy cảm hứng từ các kế hoạch của Facebook.
Theo ông Mu Changchun, Phó giám đốc Bộ phận thanh toán của PBoC, đồng tiền ảo của PBoC sẽ có nhiều điểm giống với đồng Libra của Facebook, trong đó có dựa vào tiền tệ truyền thống để duy trì giá trị. Tuy nhiên, trong khi Libra dựa vào đồng USD và Euro, tiền ảo Trung Quốc sẽ dựa vào đồng nhân dân tệ.
Đại diện của PboC cho biết, đồng tiền điện tử của Trung Quốc đang được phát triển để bảo vệ "chủ quyền tiền tệ và tình trạng tiền tệ hợp pháp" tại quốc gia này và đồng "nhân dân tệ ảo" này có thể được sử dụng trên các nền tảng thanh toán lớn như WeChat và Alipay.
Ngoài ra, quan chức này chỉ ra rằng, loại tiền ảo do các tập đoàn tư nhân phát hành có thể gây ra tổn thất lớn cho người dùng nếu tổ chức phát hành đột nhiên phá sản. Tiền ảo của PBoC không có rủi ro như vậy, cũng như có thể so sánh với tiền giấy về độ tin cậy và cũng không cần truy cập Internet liên tục để tương tác với đồng tiền này.
Đại diện của PBoC cam kết, đồng tiền ảo quốc gia của Trung Quốc sẽ đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng sẽ không cho phép các hoạt động rửa tiền.
Trước đó, trên các phương tiện tuyền thông xuất hiện thông tin, một số công ty sẽ tham gia phân phối tiền điện tử do PBoC phát hành, nhưng sau đó, PBoC đã bác bỏ thông tin này.
Theo thông tin do tờ China Daily công bố, việc quảng bá Libra có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của PBoC và buộc họ phải xem xét các mô hình mới để ra mắt đồng tiền ảo của mình, trong đó các tổ chức phi chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.
"Đối với chính phủ Mỹ, đây nên được coi là một lời kêu gọi hành động. Trong khi các nhà chức trách đang đứng ngoài để quan sát sự phát triển của các quốc gia khác, Mỹ có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội trở thành người dẫn đầu trong không gian tiền ảo toàn cầu khi cho phép đối thủ cạnh tranh chính của mình tham gia vào thị trường", Brad Garlinghouse, CEO của Ripple, bình luận về dự án tiền ảo của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã áp dụng tư duy chiến lược vào tiền điện tử. Họ đã phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, vì vậy họ sốt sắng muốn chiếm lĩnh một thị trường mới”, ông Garlinghouse cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Theo ông Garlinghouse, hầu hết các cơ quan quản lý và quan chức chính phủ quá quan tâm đến vấn đề sử dụng tiền ảo cho mục đích bất hợp pháp và khả năng duy trì tính ẩn danh trong các giao dịch, trong khi Trung Quốc thì tìm cách sử dụng nó như một công cụ để hạ bệ đồng USD khỏi vị trí độc tôn trên thị trường tiền tệ.
Tiền ảo sẽ trở thành một lĩnh vực khác trong cuộc đua công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh xung đột thương mại và cuộc chiến 5G.
Nhắc lại rằng, mới cách đây vài tháng, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ và căng thẳng trên thị trường tiền tệ có thể tăng lên sau khi Bắc Kinh ra mắt đồng tiền ảo được hỗ trợ bằng đồng nhân dân tệ này.
“Đến cuối cùng, nếu các nhà quản lý Mỹ vẫn cấm Libra và quyết định không xây dựng các quy định khuyến khích đổi mới về tiền điện tử, tiền ảo của Trung Quốc có thể trở thành loại tiền ảo toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, chủ yếu thông qua Alipay, WeChat, UnionPay cũng như các ứng dụng nhắn tin và thanh toán khác”, hai nhà phân tích Zachary Schwartzman và Mark Mahaney của Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets cho biết.
Vào hồi giữa năm nay, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, Mỹ còn lâu mới phát hành tiền ảo, vì nền tảng công nghệ đang ở giai đoạn sơ khai.
Còn các quan chức khác của Fed thì cho rằng, lợi ích của một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành là "không rõ ràng".
Trong khi đó, ông Mark Carney, Thống đốc của Ngân hàng Anh thì tuyên bố, các loại tiền ảo có thể "làm suy yếu ảnh hưởng chi phối của đồng USD đối với thương mại thế giới.