F1 đánh thức tiềm năng Việt Nam

“Điều tuyệt vời nhất là sự kiện này giống như một cách đánh thức tiềm năng của Việt Nam”, Chủ tịch Liên đoàn Xe đua quốc tế (FIA) khẳng định trong lễ khởi công đường đua Hà Nội của giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1) sáng 20/3.
Đường đua F1 mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Đường đua F1 tại Mỹ Đình có nhiều nét độc đáo để gây ấn tượng với các tay đua và Việt Nam sẽ có khả năng tổ chức một đường đua F1 giống các thánh đường tốc độ như Monte Carlo, Silverstone ở Anh, Grand Prix ở Pháp hay Monza ở Italy. 

Grand Prix Việt Nam sẽ được xây dựng theo kiểu đường đua trong thành phố, một dạng đường đua mới đã được thực hiện ở Singapore, Melbourne (Australia), bên cạnh các đường đua truyền thống như Monza hay Silverstone. Việt Nam sẽ là một đường đua thành phố mới với ngoại hình bắt mắt và hứa hẹn những khoảnh khắc say mê của đua xe thế giới. 

“Tôi chắc chắn các tay đua sẽ rất thích. Tôi đã xem bản video mô phỏng đường đua vào năm 2020 và nó rất tuyệt vời cho sự phát triển của đua xe thể thao ở Việt Nam, cũng như trong khu vực châu Á”, ông Jean Todt, Chủ tịch FIA nói.

Thời điểm này, mọi thứ mới chỉ bắt đầu và cần thời gian để các chuyên gia xây dựng cũng như đánh giá chất lượng đường đua sau khi chặng đầu tiên vào tháng 4/2020 kết thúc. Tuy nhiên, đường đua này sẽ cung cấp cơ sở vật chất không chỉ cho F1, mà còn nhiều loại hình đua xe khác. 

Với chiều dài 5,565 km, gồm 22 góc cua kinh điển, đường đua công thức 1 Hà Nội và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88 ha, gồm một phần thuộc khuôn viên của Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng hiện tại. 

Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) không tiết lộ kinh phí đầu tư cho dự án đường đua này. Song theo tính toán của giới chuyên môn, với hợp đồng tổ chức giải đua được ký 10 năm và sẽ gia hạn vào năm thứ 8, đối với các chặng đua trên đường phố có sẵn, tổng số tiền nâng cấp và đóng phí tổ chức giải có thể lên tới 1,5 tỷ USD.

Cụ thể, số tiền bỏ ra để trả lương cho nhân sự lên tới 16 triệu USD, trong đó có 6,6 triệu USD dành riêng cho đội marketing và tổ chức. Để một chặng đua đi vào hoạt động, Ban Tổ chức cần thuê trung bình 600 nhân viên, chưa kể 120 lính cứu hỏa thường trực sẵn sàng xử lý những sự cố cháy nổ. 

Sau quá trình nâng cấp đường đua hoàn tất, khoản vốn tiếp theo mà Ban Tổ chức phải bỏ ra là tiền xây dựng khán đài. Một chặng đua hoàn hảo theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Ô tô quốc tế yêu cầu khán đài có 80.000 chỗ ngồi cho các cổ động viên đến xem trực tiếp. Việc xây dựng khán đài đạt chuẩn như vậy tiêu tốn ít nhất 14 triệu USD. Chi phí để xây dựng hàng rào bảo vệ khán giả xung quanh đường đua là 8 triệu USD. Tiền thuê nhà làm trạm dừng cũng không dưới 8 triệu USD.

Với chiều dài 5,565 km, gồm 22 góc cua kinh điển, đường đua công thức 1 Hà Nội và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88 ha.   

Phương tiện đi lại, văn phòng và các tiện ích khác sẽ ngốn khoảng 6 triệu USD. 4,5 triệu USD cho các chi phí liên quan đến máy xây dựng như cần cẩu và khoảng 350 bình chữa cháy đặt ở mỗi 15 m đường đua. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng cần chi 1 triệu USD để mua bảo hiểm. Như vậy, mức phí ban đầu để xây dựng một chặng đua F1 dựa trên đường phố có sẵn rơi vào khoảng 57,5 triệu USD hàng năm (575 triệu USD sau 10 năm).

Ban Tổ chức cũng cần đóng phí tổ chức giải, rơi vào khoảng 30 triệu USD khởi điểm. Con số này có thể tăng 10% sau mỗi năm trong bản hợp đồng có thời hạn 10 mùa giải. Số tiền phải chi để đóng phí tổ chức giải trong một bản hợp đồng có thời hạn 10 năm lên tới 478,1 triệu USD.

Trong khi đó, việc xây mới hoàn toàn một chặng đua F1 cho phép tạo ra sự khác biệt về đường đua, góc cua hay độ cao. Nếu làm theo cách này, vốn khởi điểm ước tính lên tới 270 triệu USD. Bù lại, chi phí vận hành hàng năm thấp hơn nhiều so với tổ chức đua trên đường phố có sẵn. 

Với cách tính toán trên, đơn vị tổ chức ở Việt Nam đã kết hợp cả hai góc độ này. Đường đua của chặng F1 Hà Nội có một nửa là đường đua chuyên biệt và nửa còn lại là đường đua trên phố, nên sẽ vô cùng đặc biệt. 

“Chúng tôi không làm trường đua chuyên nghiệp. Bởi ngoài khu vực trung tâm điều khiển, với các khu vực khác, sau khi hết đợt đua, sẽ trả lại làm cảnh quan, đường đi bình thường cho người tham gia giao thông”, đại diện Công ty Grand Prix cho biết. 

Đặc biệt, các đơn vị xung quanh đường đua này ở khu vực Mỹ Đình sẽ cùng khai thác kinh doanh. Bởi F1 không chỉ hấp dẫn với các tay đua, mà còn với tất cả du khách trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, về Hà Nội, từ đó thu hút đầu tư, du lịch, chuyển giao công nghệ mới. Đặc biệt, đây là cơ hội để tổ chức đào tạo các tay đua trẻ và tiếp tục tổ chức các giải đua xe có động cơ mới trong tương lai.

Anh Hoa
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục