F0 thận trọng, nhưng tự tin hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022, nhiều nhà đầu tư mới (F0) có kế hoạch đầu tư kỹ càng hơn sau khi trải qua các cung bậc cảm xúc và vòng xoáy giao dịch trong năm 2021.
Năm 2021, nhiều người đầu tư chứng khoán theo phong trào. Năm 2021, nhiều người đầu tư chứng khoán theo phong trào.

Đúc rút kinh nghiệm

Nhà đầu tư N.M.Hùng cho biết, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, anh dành thời gian ngẫm lại hoạt động đầu tư trong năm cũ, với các thương vụ đầu tư ghi nhận cả lãi và lỗ đều lớn. Trong đó, sóng cổ phiếu phân bón và thép giúp giá trị tài khoản của anh tăng 40%, nhưng hầu như “của thiên trả địa” sau một số đợt giảm điểm bất ngờ giai đoạn cuối năm, nhất là các cổ phiếu “rác” (cổ phiếu của doanh nghiệp yếu kém, có thị giá thấp) lao dốc.

Trong năm qua, anh Hùng cho rằng, cổ phiếu thị giá thấp sẽ dễ tăng giá hơn cổ phiếu thị giá cao nên tập trung vào cổ phiếu loại này, mà không xét đến những yếu tố cơ bản như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, hay chỉ số P/E có hợp lý hay không.

“Năm ngoái, tôi đầu tư theo phong trào, thấy cổ phiếu nào trong room (hội/nhóm đầu tư trên mạng xã hội) nóng lên là mua. Sau đó mới biết, mình bị dính vào không ít doanh nghiệp hoạt động èo uột, bị các đội lái tác động, tạo game kích giá. Các khoản lỗ do thiếu kiến thức là động lực để tôi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm đầu tư cho năm nay”, anh Hùng nói.

Trước khi nghỉ Tết, nhà đầu tư này đã bán hầu hết cổ phiếu trong danh mục và tìm kiếm đầu tư vào những doanh nghiệp có yếu tố cơ bản, tiềm năng, bao gồm mã HPG của Hòa Phát và TCB của Techcombank.

Trong khi đó, anh N.P.Mạnh, một nhà đầu tư có lãi rồi mất lãi vì cổ phiếu ngân hàng năm ngoái hy vọng giá trị tài khoản năm nay sẽ tăng 20 - 30%. F0 này cho hay, anh sẽ tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chốt lời và cắt lỗ “25% và -5%” như đã học mà chưa làm được trong năm vừa qua.

Kỳ vọng năm mới

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư năm 2022, anh Mạnh cho biết, phần lớn thời gian nghỉ Tết đã được sử dụng để tìm kiếm, đánh giá thông tin về thị trường và các ngành tiềm năng. Dự báo ngân hàng, bất động sản và hàng không có khả năng “dẫn sóng” nên anh sẽ tập trung đầu tư vào các ngành này, hiện đã mua cổ phiếu AST của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs).

Trong phiên khai Xuân 2022, nhóm cổ phiếu hàng không đồng loạt “cất cánh”. Mã AST sau thời gian lình xình trong vùng giá 51.000 - 52.000 đồng/cổ phiếu đã vọt lên 56.600 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên 7/2 và thanh khoản cải thiện mạnh.

Nhìn lại năm 2021, nhóm cổ phiếu hàng không biến động mạnh, xảy ra một số đợt giảm giá sâu khi đa số doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài. Taseco Airs ghi nhận 7 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp, nhưng anh Mạnh giải thích là “cả làng đều khó” và tin tưởng doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong năm 2022, bởi triển vọng ngành này được nhiều công ty chứng khoán đánh giá có khả năng phục hồi cao.

Đối với nhà đầu tư Phương Anh, nhóm cổ phiếu hàng không đã nằm trong tầm ngắm trước khi nghỉ Tết. Thông tin từ ngày 31/3/2022, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu quốc tế đã hối thúc chị bỏ ngay một mã tiềm năng vào “giỏ”.

Lựa chọn mã NCT của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS), nhà đầu tư này tin tưởng, đây sẽ là mã cổ phiếu sinh lời trong năm 2022.

Bởi lẽ, năm 2021, toàn ngành điêu đứng, nhưng NCTS vẫn thực hiện vượt gần 8% kế hoạch lợi nhuận và tăng trưởng so với năm 2020, nên doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong năm 2022 trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu đứng trước cơ hội hồi phục nhanh.

“Giá mua cổ phiếu NCT là hơn 83.000 đồng/cổ phiếu, khá cao so với nhiều mã hàng không khác, nhưng tôi cho là xứng đáng với những gì doanh nghiệp đang làm được. Tôi tin, cổ phiếu này có dư địa tăng trưởng tốt”, chị Phương Anh nói và nhận định, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp tiếp tục có triển vọng sáng. Những thông tin hỗ trợ như giá đất cho thuê tăng, các nhà đầu tư nước ngoài dấu hiệu quay trở lại… sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Trong các nhóm đầu tư, không ít người cũng đã có những tính toán, lựa chọn cổ phiếu cho năm 2022. Chẳng hạn, một nhà đầu tư đăng tải danh mục 6 mã cổ phiếu, bao gồm FIT, FLC, IJC, với giá mục tiêu cao hơn nhiều thị giá và hỏi xin ý kiến của các thành viên khác.

Về vấn đề này, nhà đầu tư N.M.Hải chia sẻ, đầu tư chứng khoán mà chỉ chăm chăm đi hỏi người này, người kia giữ hay bán là “đẽo cày giữa đường” và đi sau thị trường, rất may rủi, nhất là với các mã đầu cơ. Nếu như đầu tư vào doanh nghiệp làm ăn tốt, tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt là chỉ số P/E thấp thì dù thị trường có ra sao, cổ phiếu đó vẫn có khả năng sinh lời.

“Đã xác định đầu tư thì tự nhà đầu tư phải biết mình mua cổ phiếu đó vì cái gì, doanh nghiệp có gì để tin tưởng và sẽ nắm giữ đến khi nào. Nếu sai thì sẽ sửa, rút kinh nghiệm. Vài lần mất tiền, chúng ta sẽ khôn hơn nhiều và khả năng thành công tăng lên theo, như vậy mới là mục đích của đầu tư”, anh Hải nêu quan điểm.

Thực tế, khẩu vị đầu tư của mỗi người là khác nhau. Không phải "chứng sĩ" nào cũng thích đầu tư theo giá trị và nhìn vào tiềm năng doanh nghiệp. Một bộ phận nhà đầu tư vẫn thích thú với việc lướt sóng cổ phiếu, săn tìm cổ phiếu “nóng”, dù trải qua không ít đợt biến động gây sốc.

Chẳng hạn, nhà đầu tư Phương Anh dù đã quán triệt rõ tư tưởng sẽ nắm giữ lâu dài những cổ phiếu an toàn, nhưng vẫn dành riêng một khoản đầu tư mạo hiểm để lướt sóng các mã có “biến”.

Việc này nhằm giúp hoạt động đầu tư thú vị hơn, bám sát thị trường hơn. Tuy vậy, danh mục chỉ bao gồm một số ít cổ phiếu đầu cơ, nhằm hạn chế rủi ro trong trường hợp giá điều chỉnh, hoặc thị trường chuyển biến xấu.

Thị trường được dự báo sẽ có diễn biến tích cực, tập trung vào các nhóm cổ phiếu cơ bản, nhất là VN30.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) dự báo, sau Tết, thị trường sẽ có diễn biến tích cực, tập trung vào các nhóm cổ phiếu cơ bản, nhất là VN30, nhờ những gói kích cầu được triển khai, hoạt động kinh tế khởi sắc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành y tế hoàn thành tiêm mũi thứ hai vắc-xin Covid-19 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.

Các hoạt động kinh tế sẽ được mở rộng hơn như hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu… Ngoài ra, từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, dòng vốn từ các quỹ ETF thường có xu hướng quay trở lại rất mạnh. Đây sẽ là các động lực hỗ trợ thị trường.

“Năm 2022, nhà đầu tư nên chú ý đến những ngành dự kiến nhận được các gói hỗ trợ, triển vọng kinh doanh tốt. Đặc biệt, cần phải có sự lựa chọn, phân tích kỹ từng cổ phiếu trong các nhóm ngành tiềm năng”, ông Bình khuyến nghị.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục