Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, nguyên nhân chính là Ngân hàng ghi nhận đúng đắn và kịp thời thực trạng về chất lượng tín dụng, dẫn đến việc phải tăng trích dự phòng rủi ro theo quy định. Trong năm nay, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp, kể cả nợ đã bán cho VAMC được Ngân hàng coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Xin ông cho biết nguyên nhân của việc sụt giảm mạnh lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tại Ngân hàng?
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận nửa đầu năm nay của Ngân hàng sút giảm.
Thứ nhất, do một số khách hàng lớn đã có quan hệ tín dụng nhiều năm với Eximbank gặp khó khăn trong kinh doanh, suy giảm khả năng trả nợ nên phải chuyển sang nhóm nợ cao hơn. Bên cạnh đó, Eximbank cũng thực hiện chuyển nhóm nợ với những khách hàng có nhóm nợ cao hơn tại các ngân hàng thương mại khác. Việc ghi nhận đúng đắn và kịp thời thực trạng về chất lượng tín dụng dẫn đến việc Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro theo quy định. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết quả kinh doanh giảm khá mạnh so với dự kiến.
Thứ hai, chúng tôi vừa phải thu hồi một số khoản đầu tư lớn từ một số khách hàng trước hạn theo yêu cầu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Đây lại là khoản đầu tư đóng góp phần lợi nhuận khá lớn cho Eximbank.
Thứ ba, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc tìm kiếm các cơ hội cho vay tăng cao dẫn đến chênh lệch lãi suất huy động và cho vay giảm. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Eximbank tiếp tục phải tất toán các khoản chi phí tồn đọng khá lớn được hạch toán treo từ những năm trước. Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, Eximbank còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý II/2016, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế lại giảm 88% so với cùng kỳ, xuống 79 tỷ đồng.
Vì sao nợ xấu của Eximbank lại tăng lên trên 5% tính đến cuối tháng 6/2016, cao hơn nhiều so với mức chưa đến 2% vào cuối năm 2015, thưa ông? Đó có phải là lý do để Eximbank điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016 giảm gần một nửa so với kế hoạch ban đầu?
Như tôi đã đề cập ở trên, nợ xấu tăng cao trong 6 tháng qua chủ yếu do một nhóm khách hàng lớn gặp khó khăn trong kinh doanh, khả năng trả nợ suy giảm phải chuyển sang nhóm nợ cao hơn và việc chúng tôi thực hiện chuyển nhóm nợ của những khách hàng có nhóm nợ cao hơn tại các tổ chức tín dụng khác. Việc phản ánh chính xác và kịp thời chất lượng tín dụng dẫn đến Eximbank phải tăng mạnh việc trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định. Đây là nguyên nhân chủ yếu Eximbank phải thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận như trên.
6 tháng đầu năm, Eximbank có bán nợ xấu cho Công ty Quản lý nợ các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nếu bán thì giá trị là bao nhiêu? Tình hình xử lý nợ xấu của Eximbank nửa đầu năm nay ra sao, thu được bao nhiêu tiền mặt, thưa ông?
Eximbank đã từng bán cho VAMC khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Eximbank chưa có chủ trương và cũng chưa bán bất kỳ khoản nợ xấu nào cho VAMC. Ngược lại, công tác xử lý và thu hồi nợ trực tiếp kể cả nợ đã bán cho VAMC được chúng tôi coi là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2016.
Vì sao tín dụng của nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng khá cao trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi dư nợ của Eximbank vẫn giảm, âm 4,62% tính đến hết quý II/2016?
Chắc chắn đây là vấn đề Eximbank cần nỗ lực thúc đẩy nhiều hơn trong thời gian tới, để tạo động lực phát triển mới cho Ngân hàng.
Việc tín dụng tăng trưởng âm trong giai đoạn vừa qua xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất là từ cuối 2015 trở lại đây, Eximbank thực thi yêu cầu của cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước là tập trung thu hồi các khoản nợ cho vay không đúng quy định (theo kết luận của Thanh tra. Các khoản cho vay và đầu tư phải thu hồi trước hạn này có giá trị vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân thứ hai, từ đầu năm đến nay, Eximbank đang tập trung vào việc rà soát đánh giá lại chất lượng tín dụng một cách minh bạch và toàn diện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tăng cường các giải pháp kiểm soát rủi ro tín dụng thông qua việc thắt chặt các điều kiện tín dụng, giảm bớt việc đầu tư trong các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nên ảnh hưởng đến việc tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Một nguyên nhân khác tác động không tốt đến việc tiếp cận khách hàng, đó là việc bất đồng kéo dài chưa được giải quyết giữa các nhóm cổ đông mà báo chí cũng đã đề cập nhiều trong thời gian qua. Tình trạng trên ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín cũng như hình ảnh của Eximbank, từ đó dẫn đến việc chi phí vốn gia tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh của bản thân Ngân hàng.
Quỹ dự phòng của Eximbank đã trích tính đến cuối tháng 6/2016 là bao nhiêu, thưa ông?
Như đã đề cập ở trên, từ đầu năm đến nay, Eximbank đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ trên cơ sở phân loại chất lượng tín dụng một cách kịp thời và minh bạch và đúng quy định. Tôi xin phép không đề cập đến số liệu cụ thể.
Đến nay, Đại hội đồng cổ đông Eximbank vẫn chưa được tiến hành để chốt vấn đề nhân sự cấp cao HĐQT. Theo ông, điều này đã tác động ra sao đến hoạt động kinh doanh của Eximbank?
Có thể thấy rõ là mặc dù còn tồn đọng khá nhiều khó khăn, nhưng phải nhìn nhận một cách công bằng là Eximbank có một nền tảng khá tốt đặc biệt là về năng lực tài chính, cơ sở khách hàng và nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, xung quanh việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông và vấn đề nhân sự cấp cao Hội đồng quản trị của Eximbank thời gian qua đã có những tác động không tốt đến hình ảnh và uy tín của ngân hàng trước giới truyền thông, khách hàng, công chúng và bản thân đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng. Tình hình trên đã gây thêm những khó khăn cho hoạt động của Eximbank, nhất là trong giai đoạn nỗ lực tái cấu trúc để vượt qua những khó khăn hiện tại.
Hội đồng quản trị Eximbank ý thức rất rõ và đang nỗ lực hết sức để ổn định nhân sự cấp cao, nhằm sớm đưa Eximbank đi vào quỹ đạo phát triển ổn định và bền vững…
Liệu kết quả kinh doanh năm 2016 của Eximbank có khắc phục được một phần tình trạng lỗ lũy kế của những năm trước, thưa ông?
Khắc phục lỗ luỹ kế là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Ban lãnh đạo Eximbank hiện nay. Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức như đã nêu trên, có thể chúng tôi cần thêm thời gian… Việc hoàn thành mục tiêu này có thể chậm hơn dự kiến.
Được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Eximbank trong bối cảnh Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, ông có cảm thấy quá áp lực sau vài tháng ở vị trí này?
Có thể nói, dù công vịệc khá bề bộn với nhiều thách thức phía trước, tôi rất lạc quan về tương lai. Eximbank là một thương hiệu mạnh, Ngân hàng có nền tảng khá tốt về nguồn lực tài chính, cơ sở khách hàng và nguồn nhân lực. Mặc dầu còn nhiều khó khăn và tồn đọng cần phải có thời gian để giải quyết, tuy nhiên, Eximbank không có những vấn đề quá khó khăn về mặt tài chính.
Những vấn đề bất đồng giữa các cổ đông hoặc nhóm cổ đông, theo tôi, cũng là bình thường vì đây là ngân hàng thương mại cổ phần, là công ty đại chúng. Cần phải nói rõ một điều là bất kỳ cổ đông nào cũng muốn nhìn thấy một ngân hàng phát triển ổn định, lành mạnh. Qua đây, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với gần 6.000 nhân viên của Eximbank là hãy tập trung vào công việc hàng ngày, nỗ lực mang lại dịch vụ tốt nhất để củng cố lòng tin cùa khách hàng và cùng với Ban lãnh đạo sớm vượt qua giai đoạn thử thách hiện tại… Tôi tin đó chỉ là những thách thức ngắn hạn.