Eximbank vẫn khó giải bài toán nhân sự cấp “thượng tầng”

(ĐTCK) Mặc dù chưa tổ chức thành công ĐHCĐ 2019 và nhân sự cấp “thượng tầng” chưa ổn định, Eximbank lại đang lên kế hoạch cho kỳ ĐHCĐ năm tới để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát Ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). 
Eximbank vẫn khó giải bài toán nhân sự cấp “thượng tầng”

Phức tạp nhân sự cấp cao…

Ngày 30/10/2019, Eximbank thông qua Nghị quyết số 574/2019/EIB/NQ-HĐQT liên quan đến lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020. Trong khi đó, ngân hàng này vẫn chưa tiến hành thành công ĐHCĐ thường niên năm 2019 sau 2 lần tổ chức thất bại.

Theo đó, HĐQT Eximbank thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 22/11/2019 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng thống nhất chốt danh sách cổ đông ngày 10/3/2020 để cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2020.

Trước đó, cuối tháng 4/2019, Eximbank dự kiến tiến hành ĐHCĐ thường niên nhưng do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành đại hội, đành tạm hoãn. Sang ngày 21/6, Eximbank tổ chức ĐHCĐ bất thường 2019 lần thứ 2, nhưng vẫn bất thành.

Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh vai trò của một số thành viên trong HĐQT, cũng như những mâu thuẫn giữa nội bộ lãnh đạo cấp cao nhất ở nhà băng này.

Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức trong tháng 6/2019, cổ đông đã tranh luận về tư cách chủ tọa điều hành đại hội của ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Các nhóm cổ đông cũng có những bất hòa khác liên quan đến vị trí Chủ tịch của Ngân hàng và đã có 2 lần các cổ đông gửi đơn lên tòa án xin giải quyết.

Ngay sau đó, Cục Thanh tra - Giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) đã chỉ đạo Eximbank rà soát, báo cáo về công tác quản trị điều hành của Eximbank. Thế nhưng, không lâu sau đó, ông Cao Xuân Ninh đã có đơn từ nhiệm vị trí “ghế nóng” của Eximbank.

Trong diễn biến mới nhất, trung tuần tháng 10/2019 vừa qua, tòa án TP.HCM đã có quyết định bác đơn khiếu nại của cổ đông là CTCP Rồng Ngọc về việc đình chỉ quyết định bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc và ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Quyền Tổng giám đốc.

Theo đó, ông Cao Xuân Ninh hiện vẫn là Chủ tịch của nhà băng này và ông Nguyễn Cảnh Vinh vẫn là Quyền Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, động thái lên kế hoạch chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 của Eximbank cho thấy, có thể tới đây, Ngân hàng sẽ có thay đổi bất ngờ trong HĐQT.

Câu chuyện về nhân sự cấp cao của Eximbank lâu nay vẫn là vấn đề “nóng”. Ghế nóng của ngân hàng này cũng liên tục thay đổi trong thời gian ngắn vừa qua, kể từ khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2015. Sau đó, ông Lê Minh Quốc được bầu vào vị trí “ghế nóng” Eximbank.

Thêm vào đó, câu chuyện giữa Eximbank - Nam A Bank luôn được nhiều người quan tâm khi bà Lương Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank - người đại diện phần vốn Nam A Bank tại Eximbank - sau một thời gian tham gia HĐQT Eximbank được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này ngày 22/3/2019.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc không đồng ý với quyết định để bà Tú làm Chủ tịch. Ông Quốc cũng ngay lập tức gửi đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết về việc bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ việc.

Giữa lúc mâu thuẫn các nhóm cổ đông lớn ngày càng lớn, cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2019 của Eximbank phải hoãn lại vì chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, không đủ số lượng theo quy định.

Từ cuối tháng 3-5/2019, “ghế nóng” Eximbank đã lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh.

Chưa kể, trước khi từ nhiệm, ông Quốc còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng, một thành viên HĐQT Eximbank thực hiện các quyền, nghĩa vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank…

… Khiến hoạt động kém sắc

Từ những diễn biến trên có thể thấy, nhân sự cao cấp vẫn đang là vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là câu chuyện lùm xùm đầy “bí ẩn” của ngân hàng một thời đình đám như Eximbank.

Vấn đề tồn tại ở Eximbank trong vài năm qua là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn, dẫn đến hoạt động kinh doanh yếu kém.

Trong những năm gần đây, lợi nhuận Ngân hàng làm ra dành hơn phân nửa để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Lợi nhuận trước thuế còn lại sau trích lập dự phòng chưa tới con số ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý trong năm 2018, nhà băng này đã phải đền bù 245 tỷ đồng cho khách hàng Chu Thị Bình do cựu Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM đã biển thủ và bỏ trốn, tác động khiến lợi nhuận theo đó cũng phải điều chỉnh giảm mạnh, chỉ còn 827 tỷ đồng trước thuế trong năm 2018.

Trong đó, khoản lợi nhuận này có đóng góp phần lớn từ việc thoái vốn khoản đầu tư gần 8% tại Sacombank.

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Eximbank thấp hơn cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong 9 tháng của Eximbank chỉ đạt 3.225 tỷ đồng, giảm 2,61% so với cùng kỳ 2018.

Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập góp vốn cổ phần giảm mạnh 99%, xuống còn 4 tỷ đồng. Trong khi, cùng kỳ năm 2019, Eximbank đã ghi nhận khoản thu đột biến hơn 520 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Sacombank.

Thu nhập lãi thuần Eximbank 9 tháng đầu năm tăng 5% đạt 2.423 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối có lãi 232 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 127 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 34 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 63% đạt 190 tỷ đồng.

Eximbank cũng đã giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 100 tỷ đồng nhờ nỗ lực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2%, lên 2.023 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản Eximbank là 158.596 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay chỉ tăng 3,3%, đạt 107.433 tỷ đồng.

Huy động tiền gửi khách hàng tăng 13,3%, đạt 134.467 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng của Eximbank đến cuối tháng 9/2019 là 1.833 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,85% xuống 1,71%. Eximbank còn 4.708 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 1.621 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo tài liệu họp ĐCHĐ lần 2, Eximbank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 18,6%, đạt hơn 181.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 21% và dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Tuy nhiên, định hướng kinh doanh của Ngân hàng năm 2019 bị bỏ ngỏ khi HĐQT và cổ đông chưa đi tới thống nhất.

Hiện Eximbank vẫn có cổ phần của Nhà nước do Vietcombank sở hữu dưới 5% vốn điều lệ, cùng với cổ đông chiến lược Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%… và Nam A Bank được cho là nắm giữ trên 10%. Ngoài ra, còn có một vài nhóm cổ đông khác, nhưng không được công bố công khai.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EIB của Eximbank là một trong các cổ phiếu có nhiều “sóng” về giao dịch nhất nhóm ngân hàng từ đầu năm 2019 tới nay.

Hàng chục triệu cổ phiếu đã được sang tên với giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 và giao dịch lớn vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại.

Tuy giao dịch liên tục với khối lượng lớn, nhưng giá cổ phiếu EIB vẫn giữ ổn định ở mức cao, quanh vùng 16.000-17.000 đồng/cổ phiếu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục