Trao đổi với báo chí chiều 26/6, đại diện Eximbank cho biết, sau khi thoả thuận dựa trên hồ sơ của cơ quan Cảnh sát điều tra C44 và các thông tin có được, ngân hàng này và bà Chu Thị Bình đã thống nhất thỏa thuận về việc tạm ứng cho khách hàng trong quá trình chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Thỏa thuận này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng của vụ án hình sự.
Theo đó, đợi 1, Ngân hàng đã tạm ứng 93 tỷ đồng cho khách hàng Chu Thị Bình và bà Bình cho biết, đã gửi tiết kiệm lại toàn bộ số tiền tạm ứng này tại Chi nhánh Eximbank TP.HCM.
Hai bên thống nhất sau khi có phán quyết có hiệu lực của Tòa án, Eximbank và khách hàng có trách nhiệm thực hiện đúng theo bản án này của Tòa án.
Bà Bình cũng cho biết, sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn dịch vụ của Eximbank cho nhu cầu cá nhân và doanh nghiệp.
"Vì thỏa thuận về việc tạm ứng mới là chỉ là bước đầu trong tiến trình giải quyết vụ việc, tôi mong rằng Eximbank sẽ tiếp tục thể hiện thiện chí để thúc đẩy việc giải quyết dứt điểm, nhanh chóng vụ việc nói trên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các bên. Mặt khác, tôi cũng tin rằng cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng ban hành kết luận cuối cùng và có phán quyết giải quyết quyền lợi hợp pháp và công bằng cho tôi", bà Bình cho hay.
Eximbank và bà Bình đã có cam kết tích cực tham gia quá trình tố tụng để thúc đẩy việc giải quyết vụ việc triệt để và tuân thủ phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án và các Cơ quan chức năng.
Eximbank cho biết, vụ việc xảy ra với nhiều tình tiết phức tạp nằm ngoài tầm xử lý nội bộ của Ngân hàng và đối tượng chính của vụ án là Lê Nguyễn Hưng hiện vẫn đang bị truy nã, nên Eximbank vẫn đang nỗ lực phối hợp Cơ quan tiến hành tố tụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc.
Trong suốt thời gian vừa qua, Eximbank luôn chủ động, tích cực trong việc gặp gỡ và thể hiện thiện chí trong việc thương lượng để có được tiếng nói chung trong từng giai đoạn giải quyết vụ việc với khách hàng Chu Thị Bình.
Đại diện Eximbank cho biết, bà Chu Thị Bình là khách hàng lâu năm và cũng là một doanh nhân có uy tín. Trong quá trình làm việc với bà Bình, Ngân hàng luôn tin tưởng và đánh giá cao sự hợp tác thiện chí của bà Bình và rất vui mừng về việc bà tiếp tục tin tưởng và sử dụng dịch vụ của Eximbank.
"Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, quan điểm nhất quán của chúng tôi là không đưa bất kỳ thông tin, cáo buộc nào làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của khách hàng hay Ngân hàng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiến trình điều tra, giải quyết vụ việc của cơ quan tiến hành tố tụng và sẽ nỗ lực hợp tác với khách hàng Chu Thị Bình, cũng như cơ quan chức năng để vụ việc được giải quyết nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên", đại diện Eximbank cho hay.
Liên quan hai cán bộ Eximbank Chi nhánh TP.HCM bị tạm giam, phía Eximbank cho biết, một người đã được tại ngoại, còn một người khác thì phía người nhà đang làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cho tại ngoại.
Trước đó, từ năm 2013 đến nay, bà Bình có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng).
Tháng 2/2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà liên hệ để rút số tiền này thì Eximbank cho biết, tiền gửi của bà không còn trong hệ thống. Sau đó bà kiểm tra lại toàn bộ các sổ tiết kiệm thì được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy đã bị rút hết 245 tỷ đồng, trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm.
Sự việc xảy ra được cho là do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM đã làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà.
Sau đó, bà Bình đã có buổi làm việc với Hội đồng quản trị Eximbank để đưa ra phương án giải quyết. Theo bà Bình, Eximbank đồng ý tạm ứng cho bà hơn 14,8 tỷ đồng - là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản khác, ngân hàng sẽ chờ ra tòa.
Sau khi làm việc với nhau, bà Bình và ngân hàng không thể tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản nên bà đã từ chối khoản tạm ứng.
Ngày 26/6, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án cựu cáng bộ Eximbank Nguyễn Thị Lam chiếm hơn 50 tỷ đồng của khách hàng gửi ở nhà băng này tại phòng giao dịch Đô Lương thuộc chi nhánh Vinh, Nghệ An.
Trong khi phiên toà đang diễn ra, phía Eximbank đã có thông tin liên quan đến việc hỗ trợ khách hàng trong khi chờ phán quyết của toà.
Eximbank cho biết, đã tạm ứng tiền cho 2 khách hàng có số tiền gửi lớn nhất đó là ông Nguyễn Tiến Nam 23 tỷ đồng (ông Nam gửi hơn 31 tỷ) và bà Nguyễn Thị Kiều Hương số tiền 9,25 tỷ đồng.
Về phía khách hàng, ông Nguyễn Tiến Nam sau khi nhận tạm ứng đã tiếp tục gửi khoảng 10 tỷ vào tài khoản tiết kiệm tại Eximbank. Đồng thời, ông Nam và bà Hương đã thống nhất nhận tạm ứng và chờ phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án để hai bên cùng thực hiện.
Đối với các khách hàng còn lại, Eximbank cho biết, tôn trọng quyền lợi của khách hàng. Eximbank không từ chối, né tránh trách nhiệm của ngân hàng đối với người gửi tiền, tuy nhiên đây là vụ án hình sự còn có nhiều nội dung cần được làm rõ, vì vậy Eximbank và khách hàng cần 1 phán quyết có hiệu lực của tòa án để làm cơ sở thực hiện.