Ngân hàng không giao nộp sổ đỏ
Theo đơn khởi kiện, năm 2011, Eximbank cho Công ty Thương mại dịch vụ Thu Diễm vay số tiền hơn 4,9 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Thực hiện hợp đồng, ngân hàng đã giải ngân cho Công ty số tiền 4,96 tỷ đồng, lãi suất 23%/năm. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty không thanh toán được các khoản vay theo thỏa thuận.
Do đó, ngân hàng khởi kiện đòi hơn 4,9 tỷ đồng nợ gốc và hơn 6 tỷ đồng nợ lãi.
Tại Tòa, Công ty Thu Diễm thừa nhận số nợ gốc và lãi nhưng do khó khăn, Công ty xin trả dần nợ gốc và xin miễn lãi.
Đối với các tài sản thế chấp, Công ty Thu Diễm đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu do Phòng công chứng tẩy xóa không đúng với nguyện vọng của người thế chấp. Công ty sẵn sàng thay thế các tài sản bảo đảm này bằng diện tích đất 3.000 m2 đất của bà Nguyễn Thị Thu D., Giám đốc công ty.
Liên quan yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, 3 hộ gia đình đưa nhà đất vào làm tài sản thế chấp nêu căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị tẩy xóa cụm từ “đất ở tại nông thôn” thành “đất ở”, bị đính chính: chuyển tên từ hộ gia đình sang tên các cá nhân.
Phòng công chứng thừa nhận đã chứng thực các hợp đồng thế chấp và đã thực hiện việc tẩy xóa các từ “tại nông thôn” trong cụm từ “đất ở tại nông thôn” theo yêu cầu tại Công văn của ngân hàng. Khi sửa chữa không có mặt bên thế chấp.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ngân hàng đã không giao nộp 3 sổ đỏ để giám định con dấu, chữ ký. Do đó, bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi nợ tổng số tiền 11,2 tỷ đồng nhưng bác yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm, tuyên các hợp đồng thế chấp vô hiệu, buộc Ngân hàng phải giải chấp và trả lại các sổ đỏ.
Có tẩy xóa, hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bên thế chấp tài sản cho rằng, chính ngân hàng đã gửi công văn đề nghị tẩy xóa các cụm từ đất ở nông thôn, mục đích là nâng khống giá trị đất hạng 3 lên giá trị đất hạng 1.
Biên bản thẩm định mô tả nhà đất cách quốc lộ 50 m nhưng thực tế cách quốc lộ 500 m để đẩy giá lên cao, nâng mức cho vay. Việc nâng giá trị tài sản lên cao là trái với ý chí của bên thế chấp.
Trong số các nhà đất thế chấp, có một cơ sở nhà đất có 3 nhà thờ, có bức đại tự ghi rõ Nhà thờ họ Vũ nhưng ngân hàng vẫn nhận thế chấp. Đại diện các thành viên chi họ Vũ cho rằng nhà thờ chung của dòng họ, do con cháu đóng góp xây dựng, không phải tài sản riêng của cá nhân.
Kết quả giám định cho thấy, trên 3 sổ đỏ, ở phần mục đích sử dụng đất ở có sự tẩy xóa bằng bút xóa, chữ in trước khi bị xóa là “tại nông thôn”.
Đối với việc sửa chữa này, ngân hàng đổ cho bên thế chấp yêu cầu nhưng những người thế chấp lại phản đối, cho rằng chính ngân hàng đề nghị.
Tòa án cho rằng, có việc tẩy xóa nhưng không đủ cơ sở xác định ai và thời gian tẩy xóa. Việc tẩy xóa không làm thay đổi nội dung của hợp đồng thế chấp, không làm thay đổi bản chất của giao dịch nên các hợp đồng vẫn có hiệu lực.
Đối với việc đính chính tên người sử dụng đất từ hộ gia đình sang tên cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm lưu giữ tài liệu đã không tìm thấy hồ sơ đính chính. Tuy nhiên, tòa án cho rằng các đơn xin cấp sổ đỏ trước đây chỉ ghi tên cá nhân, nguồn gốc là đất bố mẹ để lại trước năm 1971, do đó không chấp nhận đây là đất của hộ gia đình.
Trên 2 cơ sở này, Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng, sửa án sơ thẩm, tuyên ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nếu Công ty không trả nợ hoặc trả nợ không đủ.