Thông tin từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) biết, đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP. HCM.
Eximbank khẳng định làm đúng quy định
Nội dung trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, Eximbank khẳng định, việc Tòa án nhân dân TP. HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong đơn khiếu nại do Tổng giám đốc Eximbank ông Lê Văn Quyết ký ngày 28/3 gửi Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh án TAND TP. HCM và các cơ quan liên quan, Eximbank nêu rõ những căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP. HCM là trái luật.
Trước đó, HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 và ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết của HĐQT bầu bà Tú vào ghế "nóng" Chủ tịch, ông Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Exibmank đã bức xúc lên tiếng cho rằng, việc bầu bà Tú là trái với quy định của Eximbank.
Tiếp đó, thông tin về việc TAND TP.HCM ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, càng làm vấn đề bổ nhiệm nhân sự này thêm gay cấn.
Được biết, quyết định của TAND TP.HCM đưa ra sau khi thụ lý hồ sơ vụ án tranh chấp thành viên công ty tại Eximbank.
Tuy nhiên, HĐQT Eximbank ngay sau đó đã phát đi thông cáo báo chí tối ngày 27/3 khẳng định, quyết định bổ nhiệm nhân sự mới giữ chức chủ tịch là tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ Ngân hàng.
HĐQT Eximbank cho rằng, nguyên đơn khởi kiện cho rằng cuộc họp HĐQT của Eximbank ngày 22/3/2019 và ban hành Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT là trái pháp luật, không phù hợp với điều lệ Eximbank là không đúng, bởi lẽ:
Theo Khoản 1, Điều 48, Điều lệ Eximbank thì HĐQT có thẩm quyền họp để bầu Chủ tịch và ra các quyết định khác; Khoản 2, Điều 48 quy định HĐQT có thể họp định kỳ hoặc bất thường; Khoản 9, Điều 48 quy định cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên trở lên dự họp.
Trường hợp không trực tiếp dự họp, thành viên HĐQT có quyền ủy quyền biểu quyết cho một thành viên HĐQT khác hoặc gửi ý kiến biểu quyết bằng văn bản; Khoản 11, Điều 48 quy định quyết định của HĐQTđược thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, bao gồm cả phiếu biểu quyết bằng văn bản và biểu quyết theo ủy quyền.
Theo Khoản 2, Điều 92, Điều lệ Eximbank và Khoản 8, Điều 153, Luật Doanh nghiệp thì cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp.
Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp.
Đồng thời, theo Khoản 1, Điều 161, Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.
Theo HĐQT Eximbank, ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank, nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND TP.HCM đã thụ lý.
HĐQT Eximbank cho rằng, vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật.
Diễn biến thực tế tại Eximbank như sau:
Hiện nay, Hội đồng quản trị Eximbank có 10 thành viên.
Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp, tức là tối thiểu phải có 8 thành viên dự họp.
Trường hợp cuộc họp được triệu tập không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.
Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp, tức là phải có tối thiểu 6 thành viên.
Ngày 21/02/2019, Chủ tịch HĐQT đã gửi Thông báo mời họp HĐQT với nội dung: Cuộc họp HĐQT dự kiến sẽ tổ chức vào 14 giờ 30 phút ngày 26/02/2019.
Ngày 25/02/2019, trước ngày tổ chức cuộc họp HĐQT, Chủ tịch HĐQT đã gửi Thông báo số 80/2019/EIB/TB-CTHDQT cho các thành viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát với nội dung: “Vì có việc đột xuất, Chủ tịch HĐQT không tham dự được phiên họp này; đồng thời ông Ngô Thanh Tùng thông báo không có mặt ở TP.HCM và ông Nguyễn Quang Thông cũng vừa thông báo không tham dự…” do vậy, cuộc họp HĐQT “không thể tiến hành do không đủ túc số cần thiết theo quy định tại Điều lệ Eximbank” (cuộc họp lần thứ nhất).
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 153, Luật Doanh nghiệp thì trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại khoản này.
Ngày 5/3/2019, Chủ tịch HĐQT có Thư triệu tập cuộc họp HĐQT ngày 8/3/2019, nhưng đến ngày 8/3/2019, Chủ tịch HĐQT tiếp tục có Thông báo huỷ cuộc họp này.
Ngoài ra, ngày 12/03/2019, Uỷ ban Quản lý rủi ro cũng đã có phiên họp khẩn cấp để thảo luận và đề xuất các khuyến nghị xử lý vụ việc vi phạm về công tác quản lý và sử dụng con dấu có liên quan đến ông Lê Minh Quốc – Chủ tịch HĐQT.
Uỷ ban Quản lý rủi ro cũng đã khuyến nghị triệu tập cuộc họp HĐQT gấp để xem xét thông qua các khuyến nghị, chậm nhất vào thứ Sáu, ngày 15/3/2019. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT không tiếp tục triệu tập cuộc họp HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Eximbank.
Do đó, 5 thành viên HĐQT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT triệu tập cuộc họp tiếp theo vào ngày 15/3/2019, nhưng Chủ tịch HĐQT vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Vì vậy, 5 thành viên HĐQT đã có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019.
Cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 là cuộc họp HĐQT được triệu tập lần thứ 2 sau cuộc họp HĐQT lần thứ nhất ngày 26/2/2019. Vì vậy, trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT dự họp (cuộc họp ngày 22/3/2019 có 7 thành viên tham dự) .
Từ các quy định trên, cuộc họp của HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 và ban hành Nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT là thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Eximbank. Vì vậy, nội dung và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc không có căn cứ pháp luật.
Eximbank yêu cầu hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Theo Eximbank, với những trình bày trên cho thấy, việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án số 34/2019/KDTM-ST ngày 26/3/2019 về việc tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014, Điều lệ của Eximbank, Bộ luật Tố tụng Dân sự, dẫn đến việc Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 cũng không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank, tránh những thiệt hại không đáng có gây ra cho Eximbank, các cổ đông của Eximbank, Eximbank căn cứ Khoản 1, Điều 138, Điều 140 Bộ luật Tố tụng Dân sự khiếu nại và yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Eximbank đã có đơn khiếu nại đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM căn cứ thẩm quyền của Chánh án được quy định tại Khoản 1, Điều 141, Bộ luật Tố tụng Dân sự để xem xét đơn khiếu nại của Eximbank và căn cứ Khoản 1, Điều 138, Điều 140 Bộ luật Tố tụng Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan để hủy bỏ toàn bộ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM; xem xét yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung đình chỉ vụ án thụ lý số 34/2019/KDTM-ST ngày 26/3/2019 và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.