Lỗ lũy kế, hoạt động kinh doanh năm 2015 và nửa đầu năm 2016 èo uột, điều gì làm nên sự hấp dẫn của ngân hàng này trong mắt các ông lớn?
Lợi nhuận thấp, rủi ro nợ xấu cao
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Eximbank, tại ngày 30/6/2016, Eximbank có vốn chủ chủ sở hữu hơn 12.448 tỷ đồng trên quy mô vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế là 817,476 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, Công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa tới 61 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với con số hạch toán cùng kỳ năm 2015 là 442 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý là, cùng thời điểm này, Eximbank có 4.721 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC. Đây là khoản trái phiếu có mệnh giá 6.052 tỷ đồng, đã được Ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng gần 1.331 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là trong các năm tới, VAMC vẫn còn phải trích lập khá lớn.
Không chỉ dừng lại ở con số hơn 4.721 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, nhìn trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai, Eximbank cũng là chủ nợ lớn thứ 2 với khoản cho vay dài hạn là 3.156 tỷ đồng (chưa bị coi là nợ xấu). Việc cho vay khoản này lên tới 25,35% vốn chủ sở hữu là dấu hỏi về vấn đề quản trị của Ngân hàng.
Đồng thời, sự cố điều chỉnh hồi tố khoản lỗ gần 949 tỷ đồng năm tài chính 2014 cho các nghiệp vụ bán tài sản trong quá khứ, mà hiểu một cách đơn giản thì đây là hành vi kê khống giá trị tài sản của ngân hàng để hạch toán thành lợi nhuận (bán tài sản và hạch toán lãi, sau đó mua lại tài sản – như giải trình của Eximbank tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, Thuyết minh số 41) không chỉ một lần nữa cho thấy chất lượng quản trị có vấn đề của Ngân hàng trong quá khứ, mà còn là dấu hỏi về chất lượng tài sản của Eximbank.
Điều gì khiến Eximbank hấp dẫn?
Cuộc đua tranh ghế thành viên Hội đồng quản trị của các nhóm cổ đông cho thấy, Eximbank vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Trong báo cáo đánh giá về Eximbank gửi cho Hội đồng đầu tư của một ngân hàng đầu tư có tên tuổi trên thế giới, bộ phận phân tích của ngân hàng này cho rằng, dù có những nhược điểm do chạy theo thành tích bên ngoài, Eximbank vẫn là ngân hàng có nền tảng quản trị trong nhiều mặt hoạt động vững và còn nhiều tài sản. Điều ngân hàng này cần là một giải pháp tổng thể để có thể nâng cao hiệu quả sinh lời các tài sản đang có. Phía đơn vị này cho rằng, trong vòng 5 năm tới, Eximbank có thể nâng mức ROE của mình lên 10%.
Nhưng đây là góc nhìn của các nhà đầu tư tài chính. Ở góc độ những người đi thâu tóm, Eximbank hấp dẫn bởi điểm khác.
Theo báo cáo thường niên cuối năm 2015, Eximbank có 208 điểm giao dịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: 44 chi nhánh, 163 phòng giao dịch và 1 quỹ tiết kiệm, nằm trong khối các ngân hàng có độ phủ rộng.
Eximbank, dù không nằm trong Top những ngân hàng TMCP mạnh nhất, nhưng được chính những người kinh doanh trong giới ngân hàng đánh giá là có hệ thống tin học quản trị vượt trội so với đa số những ngân hàng còn lại, có thể so sánh với ACB.
Một điểm đặc biệt là, Eximbank có cơ cấu cổ đông rất phù hợp để… thâu tóm. Theo số liệu công bố, Eximbank chỉ có 2 cổ đông lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (sở hữu 15% vốn điều lệ), Vietcombank (8,19% vốn điều lệ), phần còn lại là các cổ đông bên ngoài.
Với quy mô vốn hóa chỉ xấp xỉ 14.000 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng để sở hữu khoảng 20% cổ phần Ngân hàng. Số tiền này không hẳn lớn với các đại gia, thậm chí không bằng một số thương vụ bất động sản đã có trên thị trường - rất thuận lợi cho những người muốn thâu tóm với mục tiêu gia nhập lĩnh vực ngân hàng.
Với nhà đầu tư đang sở hữu ngân hàng có xếp hạng thấp hơn, thâu tóm và sáp nhập Eximbank là cách nhanh nhất để mở rộng mạng lưới, cải thiện chất lượng hệ thống tin học quản trị và cả thương hiệu. Những khó khăn của Eximbank hiện thời đến từ quản trị, nên có thể sẽ được cải thiện như đánh giá tại báo cáo của ngân hàng nước ngoài nói trên, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư mới. Vấn đề quan trọng là, ai sẽ chiến thắng trong cuộc chơi này.