Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên đối với 1.123.468.046 cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3).
Cụ thể, ngày niêm yết cổ phiếu có hiệu lực là 29/12/2021. Ngày chính thức giao dịch 10/02/2022. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.480 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường xấp xỉ 44.354 tỷ đồng (1,95 tỷ USD). Với biên độ giao dịch +/-20%, giá cổ phiếu PGV sẽ dao động trong khoảng 31.590 - 47.370 đồng.
PGV là cổ phiếu thứ 538 của sàn HoSE. EVNGENCO3 cũng là tân binh đầu tiên đánh cồng chào sàn sau Tết Nhâm Dần. Trước đó, Tổng công ty đã hủy đăng ký giao dịch 1.123.468.046 cổ phiếu PGV trên thị trường UPCoM kể từ ngày 24/1/2022.
“Ông lớn” ngành năng lượng này có quy mô vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng. Tổng công ty quản lý nhiều nhà máy quy mô lớn với đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí (cụm nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ công suất 2.540 MW); nhiệt điện than (Nhiệt điện Mông Dương 1 công suất 1.080 MW và Nhiệt điện Vĩnh Tân công suất 1.279 MW); thủy điện (3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW thuộc Thủy điện Buôn Kuốp) và điện mặt trời tại nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.
Cùng đó, Tổng công ty còn nắm giữ cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết đang quản lý nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn như công ty Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), công ty Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), công ty Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH)…
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 tổ chức vào giữa tháng 1/2022, lãnh đạo EVNGENCO3 cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế ước thực hiện đạt 3.414 tỷ đồng, tăng gần 49% so với kết quả kinh doanh năm 2020 và vượt kế hoạch đề ra.
EVNGENCO 3 thực hiện đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu hiệu quả kinh tế và kỹ thuật. Sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 29,608 tỷ kWh, trong đó, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản lượng điện (47%).
Không riêng EVNGENCO3, sản lượng điện năm 2021 toàn hệ thống điện chỉ tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng giãn cách kéo dài tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên, dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhiều đơn vị phân tích đánh giá sản lượng tiêu thụ điện năm 2022 tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Doanh thu nhóm doanh nghiệp điện được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Cùng đó, với khả năng cao hiện tượng La Nina chỉ tiếp tục duy trì cường độ yếu cho đến hết quý I và dự báo dần chuyển sang trạng thái El Nino từ quý III/2022, giới phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện năm tới sẽ tăng lên.