EVN phân bổ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng vào giá điện

Lãnh đạo EVN khẳng định, việc tăng giá điện không chỉ nhằm bù các khoản lỗ năm trước mà bởi hiện tại các chi phí đầu vào khác đều tăng.
EVN phân bổ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng vào giá điện

Tăng giá điện để bù đắp khoản “lỗ chính sách”

“Giá điện tăng 5% kể từ ngày 1/7 không phải “lén lút” mà đã được EVN xin ý kiến Chính phủ, Bộ Công thương và được sự đồng ý EVN mới điều chỉnh tăng” - Đó là khẳng định của ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Sau gần 3 tuần thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BCT của Bộ Công thương về việc tăng giá điện bình quân 5% (1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh) từ ngày 1/7, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau như đâu là nguyên nhân, lộ trình, sự minh bạch trong vấn đề tăng giá điện và những giải pháp giảm lỗ của EVN.

Ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, riêng khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá của EVN trong 2 năm 2010 và 2011 lên tới 26.000 tỷ đồng. Hiện Chính phủ đã cho phép phân bổ các khoản lỗ này vào giá điện từ nay đến năm 2015 (mỗi năm khoảng 6.500 tỷ đồng).

Đó là chưa kể khoản lỗ kinh doanh trên 11.000 tỷ đồng do chạy dầu trong mùa khô và lỗ do chênh lệch về giá (mua điện của Trung Quốc và các nhà máy BOT với giá cao để về bán giá thấp). Việc tăng thêm 5% giá điện đợt này sẽ khiến doanh thu bán điện 6 tháng cuối năm của EVN tăng thêm 3.710 tỷ đồng cũng chỉ bù đắp được 1 phần nào khoản lỗ này.

Trước băn khoăn về việc EVN được Chính phủ can thiệp vào phần lỗ do chênh lệch tỷ giá có thể hiện sự độc quyền không, ông Tri giải thích: Về nguyên tắc, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường thì phải “lời ăn lỗ chịu”. Tuy nhiên, đây là khoản “lỗ chính sách” Chính phủ phải xử lý vì những năm trước EVN không được bán điện theo giá thị trường mà phải treo khoản lỗ này lại theo chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo ổn định kinh tế.

 

Lắp đặt máy biến áp 600 MVA góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng khẳng định, việc tăng giá điện không chỉ nhằm bù các khoản lỗ năm trước của EVN mà bởi hiện tại các chi phí đầu vào khác đều tăng, rõ nhất là than cho sản xuất điện đã tăng 10 - 11,5% tùy từng loại. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp cho giá than tăng cộng với một phần các chi phí còn “treo” của các năm trước.

Giá điện tiệm cận giá thị trường để đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo  quy hoạch  điện VII, từ nay đến 2015, mỗi năm Nhà nước  cần 5-6 tỉ USD cho phát triển nguồn điện. Trong khi đó, bức tranh tài chính của EVN  đang rất tối tăm vì những khoản nợ nên huy động vốn cho các dự án vô cùng chật vật.

Riêng giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, hiện mới thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng chưa biết trông vào đâu.

Giải quyết vấn đề tài chính cho EVN thì không chỉ có vấn đề giá điện. Bởi hiện tại, tỷ lệ nợ của EVN là trên 3 lần, trong khi EVN không có cả vốn đối ứng. Hiện tại rất nhiều dự án điện đang phải vay vốn 100% vì EVN không có nguồn vốn đối ứng. Đơn cử, các dự án điện Duyên Hải 1, 2, 3 đều có 85% vốn phải vay nước ngoài và 15% vay các ngân hàng thương mại trong nước. Sắp tới, chúng ta lại tiếp tục nhập khẩu than với giá đắt, nếu không có lộ trình đưa giá điện tiệm cận dần với giá trị trường thì sẽ rất khó đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, sự bất cập về giá điện hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của EVN mà còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí, mức giá phải vào khoảng 9,6 cent/kwh.

Trong khi giá điện bình quân của Việt Nam hiện chỉ đạt 6,5 cent/kwh. Giá điện thấp khiến EVN không thể tích lũy lợi nhuận hoặc tích lũy không đủ cho tái đầu tư. Với giá bán hiện tại, EVN không chỉ “lỗ chính sách” ngày một lớn mà việc thu hút đầu tư vào ngành này cũng hết sức khó khăn do giá điện thấp, không đảm bảo lợi nhuận.

Trước băn khoăn về sự minh bạch của giá điện, ông Tri khẳng định, việc tăng giá điện trong điều kiện giá đầu vào biến động như hiện nay là tất yếu. Thực tế, việc điều chỉnh giá điện luôn dựa trên các tiêu chí: đưa giá điện dần tiệm cận với giá thị trường; đảm bảo công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, lý do tăng, giảm; Tuân theo đúng quy định về mức tăng, thẩm quyền quyết định; Đảm bảo sự ổn định kinh tế và an sinh xã hội.

Cũng theo ông Tri, thời gian tới, EVN sẽ thực hiện kiểm toán giá thành điện hàng năm và công khai cho công chúng. Khi tất cả đều minh bạch rõ ràng thì chắc chắn người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận. Ông Tri cũng cho biết, với mục tiêu giai đoạn 2012-2015 đảm bảo kinh doanh có lãi theo yêu cầu của Chính phủ, EVN sẽ thực hiện các giải pháp:

Tăng giá điện để có nguồn trả nợ tiền mua điện; Tuyên truyền cho khách hàng sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả. Giảm 5% chi phí sản xuất kinh doanh điện; Giảm tổn thất điện năng; Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nguồn điện giá rẻ, hạn chế tối đa mua điện từ các nguồn điện giá cao.

Bao giờ các GENCO được tách khỏi EVN?

Ông Đinh Quang Tri khẳng định, EVN không “giữ” các GENCO. Bản thân EVN cũng không muốn độc quyền. EVN đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tách các Tổng công ty phát điện (GENCO) từ 1/1/2011.

Tuy nhiên, do các GENCO hiện nay có công nợ/vốn chủ sở hữu quá lớn, tới hơn 5 lần nên chưa thể tách ngay được. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công thương lên kế hoạch đến 2015-2016 phải tách xong, và khi tách phải đảm bảo các GENCO này có đủ sức khỏe để hoạt động.

EVN phải đảm bảo có lãi kể từ 2012

Trong các năm 2012-2015, EVN phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Đến năm 2015, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần, tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%, hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ban hành ngày 10/7/2012 về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển 5 năm 2011-2015 của EVN.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ EVN, để đảm bảo năm 2012 không bị lỗ và bước đầu sản xuất kinh doanh có lãi, EVN đã và đang triển khai các giải pháp tiết kiệm và tiết giảm chi phí đã ký cam kết thực hiện Nghị quyết 01 hồi đầu năm 2011.

Cùng với đó, theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 2-18/7/2012, EVN sẽ phải đổ dầu vào chạy khoảng 250 triệu kwh điện khi việc cung cấp khí của nhà máy nhiệt điện Ô Môn tam ngừng. Nhưng do tăng cường phát thủy điện cũng như tăng tối đa việc tải điện từ miền Bắc vào cho miền Nam nên thực tế chỉ phải chạy khoảng 100 triệu kwh.

Nếu tính việc chạy dầu sẽ làm tăng lỗ khoảng 3.000 đồng/kwh thì EVN đã tiết kiệm được hơn 300 tỷ đồng rồi (?). Và những việc làm cụ thể đó là điều kiện để EVN có lãi.

 

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Với nhiệm vụ chính là đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII); mua điện từ các nguồn điện, nhập khẩu điện, quản lý vận hành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối, thực hiện vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho quốc gia. Theo đó, EVN có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu điện với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân 13%/năm. Đồng thời, chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng cao hơn.

Trong giai đoạn này, EVN phải bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.600 MW và chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410MW để đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, EVN cũng phải hoàn thành, đưa vào vận hành 318 công trình lưới điện truyền tải 220-500kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 11.577km và tổng dung lượng biến áp khoảng 44.450MVA. Đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện 110kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện áp 35kV - 0,4kV, bảo đảm nâng cao chất lượng điện năng và năng lực phân phối điện.  

 


VOV

Tin cùng chuyên mục