EVN đã vào “tầm ngắm”

(ĐTCK-online) Trước tình trạng đầu tư tràn lan của DNNN, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã xác định mục tiêu của cơ quan này trong năm 2008 là tập trung vào các DNNN, trong đó EVN - tập đoàn kinh tế gần đây được xã hội "đặc biệt quan tâm", do đã đầu tư ra ngoài ngành điện quá nhiều, trong khi nhiệm vụ chính vẫn chưa hoàn thành. Tổng KTNN Vương Đình Huệ đã trao đổi với ĐTCK về vấn đề này.
Ông Vương Đình Huệ. Ông Vương Đình Huệ.

Ông có thể cho biết sơ lược về Báo cáo kiểm toán năm 2007?

Theo kết quả kiểm toán thì một số đơn vị chấp hành rất tốt các chính sách quản lý tài chính của Nhà nước, hầu như không phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào, kể cả những chương trình, dự án, đơn vị sử dụng ngân sách trước đây đã từng vi phạm chính sách quản lý tài chính. Ví dụ như Chương trình 135, nếu năm 2006 đã phân bổ sai mục đích nguồn vốn khá lớn thì kết quả kiểm toán năm 2007 cho thấy, việc này đã được khắc phục về cơ bản. Đây là tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên, để so sánh báo cáo kiểm toán thường niên thì rất khó, bởi đối tượng kiểm toán không giống nhau  và thường thì quy mô kiểm toán năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

 

Nhưng một trong những nội dung thường được kiểm toán hàng năm là tình trạng nợ đọng thuế. Kết quả kiểm toán năm 2006 đã chỉ ra tình trạng nợ thuế vẫn còn rất lớn, vậy năm 2007 thì sao?

Nếu nhìn số dư thì có thể khẳng định, tình trạng nợ thuế năm 2007 cao hơn năm 2006. Trong báo cáo, chúng tôi nhận định, ngành thuế và hải quan có tiến bộ trong công tác quản lý thuế nên phần nợ thuế phát sinh năm 2007 so với tổng số thu ngân sách mà ngành tài chính quản lý thì giảm so với năm trước. Nhưng nhìn vào số lũy kế thì nợ thuế vẫn tăng. Tuy nhiên, điều này chấp nhận được, bởi số thu ngân sách tăng lên thì số nợ đọng cũng tăng lên.

 

Việc đầu tư ngoài ngành đã được nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện từ năm 2006, nhưng trong Báo cáo kiểm toán không chỉ ra được những sai phạm này, thưa ông?

Thực ra, trên khía cạnh kinh tế vĩ mô, nhiều vấn đề đến khi phát sinh thì các cơ quan quản lý nhà nước mới quan tâm hơn. Việc đầu tư ra ngoài ngành cũng vậy, trước đây, KTNN đều tính toán phần vốn của DN sử dụng vào mục đích kinh doanh theo đúng đăng ký kinh doanh, nhưng chưa tập trung sâu vào đánh giá cơ cấu đầu tư nên chưa chỉ ra được sai phạm trong đầu tư của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Trước đòi hỏi của thực tiễn, KTNN sẽ tập trung sâu hơn vào nội dung này khi thực hiện kiểm toán các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước năm 2008.

 

Điều này có thể hiểu là "nước đến chân mới nhảy", thưa ông?

Trước đây, chúng tôi cũng đã chú ý tới việc DNNN đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, tuy chưa thực sự coi trọng đúng mức, nhưng nếu nói là "nước đến chân mới nhảy" thì không hoàn toàn chính xác.

 

Nhưng trên thực tế, trong Báo cáo kiểm toán được KTNN trình Quốc hội không có nhận định, đánh giá về tình trạng đầu tư tràn lan của tập đoàn kinh tế?

Vấn đề này không mới mà đã có từ nhiều năm trước, nhưng ở mức độ thấp hơn. Mặc dù tình trạng đầu tư ra ngoài ngành của DNNN đã phát sinh, song KTNN cũng như cơ quan quản lý, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành không phát hiện kịp thời nên không kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp chấn chỉnh. Đây là một hạn chế của KTNN trong quá trình công tác. Nhiệm vụ của KTNN là kiểm chứng những vấn đề mới phát sinh của nền kinh tế và đánh giá việc chấp hành chính sách, cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách. Trước đây, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc đánh giá mức độ chấp hành chính sách, cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, nên chưa đưa ra những kiến nghị xử lý đối với các DNNN đầu tư ra ngoài ngành.

 

Khắc phục hạn chế trên, trong thời gian tới, KTNN sẽ làm những gì?

Chúng tôi sẽ dành thời gian và nhân lực đáng kể để thực hiện kiểm toán các DNNN. Tôi có thể tiết lộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đối tượng mà chúng tôi hướng đến trong việc kiểm toán năm 2008. Cụ thể, KTNN đã huy động trên 100 cán bộ, kiểm toán viên tập trung kiểm toán hoạt động sản xuất - kinh doanh của EVN. Đây có thể nói là cuộc kiểm toán lớn nhất từ trước đến nay của KTNN. Chúng tôi dự định dành 3 tháng để kiểm toán EVN. Đây có thể coi là một trong những cuộc kiểm toán dài nhất từ trước đến nay của KTNN.

 

Ông có thể tiết lộ một số thông tin về cuộc kiểm toán "lớn nhất trong lịch sử" này?

Trước hết, xác nhận độ tin cậy, chính xác báo cáo tài chính của các đơn vị, công ty thành viên và báo cáo tài chính hợp nhất của cả EVN; xem xét tính tuân thủ luật pháp trong hoạt động kinh doanh của EVN; đánh giá tính kinh tế cũng như tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của EVN… Khi kết thúc kiểm toán (dự định vào tháng 10/2008), ngoài những kiến nghị về xử lý tài chính, kiến nghị về xử phạt sai phạm (nếu có), một trong những nội dung rất quan trọng mà kiểm toán phải đưa ra là kiến nghị với Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng và bản thân EVN những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và ngân sách nhà nước.

 

Mới đây, một số cơ quan quản lý nhà nước đã công bố, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) có hệ số vay nợ gấp 42 lần vốn chủ sở hữu, nhưng Cienco 5 lại khẳng định, con số này chỉ khoảng 8 lần. Điều này có thể hiểu là báo cáo tài chính của các DNNN rất khó xác định độ chính xác?

Tôi chưa khẳng định về mức độ chính xác của báo cáo tài chính của các DNNN. Cũng như nhiều tổng công ty và tập đoàn kinh tế khác, Cienco 5 nằm trong kế hoạch kiểm toán của KTNN năm 2008. Khi kết thúc kiểm toán năm 2008, chúng tôi sẽ công bố số liệu chính thức.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ