Những lợi ích lớn nhất mà EVFTA đem lại cho Việt Nam là gì, thưa ông?
Về xuất nhập khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ sẽ là cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99 dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết. Do đó, EVFTA sẽ mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 7 lần, từ 6,3 tỷ USD năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm ngoái. Quan hệ kinh tế hai bên đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ tiếp tục được tăng cường với việc thực hiện FTA này.
Về đầu tư, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và của cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn chung chuyển, kết nối cho hoạt động đầu tư và thương mại của EU trong khu vực.
Việt Nam và EU đang cố gắng để có thể ký EVFTA trong năm nay. Hiện còn những vấn đề gì chưa giải quyết được, thưa ông?
Chúng tôi chỉ còn một số vấn đề về thủ tục. Hai bên đang rà soát lại câu chữ để đảm bảo rằng, hiệp định này chặt chẽ về pháp lý. Hiệp định cũng sẽ được dịch ra tiếng Việt và 24 ngôn ngữ mà EU đang sử dụng. Chúng tôi kỳ vọng, EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Theo tinh thần của EVFTA, các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu có thể trực tiếp đơn phương khởi kiện Chính phủ Việt Nam mà không cần có sự phê chuẩn của chính phủ nước họ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
EVFTA quy định những tiêu chuẩn và đối xử khá đơn giản cho các nhà đầu tư. Tất cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ được đối xử bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Theo Chương 13 về giải quyết tranh chấp, thì EVFTA tạo ra một khuôn khổ giải quyết bất kỳ bất đồng nào có thể xảy ra giữa EU và Việt Nam, về việc diễn giải hay thực hiện bất cứ khía cạnh nào của Hiệp định.
Hệ thống giải quyết tranh chấp được sử dụng như biện pháp cuối cùng, nếu các bên không thể tìm ra giải pháp chung trong giải quyết bất đồng. Trong trường hợp các bên không thể đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn chính thức, thì họ có thể yêu cầu thành lập một ban bao gồm các chuyên gia pháp lý độc lập để giải quyết. EU và Việt Nam cũng đặt ra các quy định cho phép hòa giải để thực hiện các biện pháp giải quyết, tránh ảnh hưởng đến hợp tác đầu tư và thương mại song phương.
Với một hệ thống giải quyết tranh chấp như vậy trong EVFTA, các nhà đầu tư có thể giải quyết các bất đồng một cách tiện lợi và công bằng. Do vậy, tôi không cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải lo lắng về việc có thể sẽ bị các doanh nghiệp châu Âu khởi kiện.
Sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho phần lớn các mặt hàng thực phẩm của EU từ 3-10 năm, như rượu vang, rượu mạnh và thịt lợn đông lạnh, thịt bò, các sản phẩm sữa và thịt gà. Song liệu các sản phẩm này có khó cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ Australia và Hoa Kỳ, vốn đang được ưa chuộng tại Việt Nam?
Trong suốt quá trình đàm phán, chúng tôi đã nghiên cứu rất cẩn thận mức độ phát triển nông nghiệp của hai bên để đặt ra lộ trình giảm thuế từ từ. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất của Việt Nam dần thích nghi với việc giảm thuế trong EVFTA.
Chúng tôi tin rằng, các nhà sản xuất Việt Nam có thể thích nghi với các biến động của thị trường mới. Chúng tôi cũng đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giúp các nhà sản xuất thích nghi và thay đổi các phương pháp sản xuất, để có thể tạo ra được nhiều sản phẩm an toàn hơn.
EU là thị trường rất lớn, với nhiều công nghệ hiện đại, sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, tiêu thụ trên toàn thế giới. Tôi tin rằng, các sản phẩm của châu Âu sẽ được nhiều người Việt Nam sử dụng hơn nữa.