EU tung gói kích thích kinh tế 1.500 tỷ USD

Tương tự Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu đã mở rộng chương trình kích thích tài khóa nhằm cứu vớt nền kinh tế đang lao dốc.
EU tuần trước đề ra kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19 trị giá 2.000 tỷ USD. Ảnh: AFP EU tuần trước đề ra kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19 trị giá 2.000 tỷ USD. Ảnh: AFP

Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng quy mô chương trình mua vào trái phiếu lên 1.350 tỷ EUR (tương đương 1.520 tỷ USD), một động thái mạnh tay tương tự như Fed. Nếu so với Mỹ, đà suy thoái của EU được dự báo nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo suy giảm 6,6% trong năm nay và tăng trưởng 5,0% vào năm tới, theo khảo sát của Tạp chí Phố Wall.

Giới đầu tư hoan nghênh quyết định táo bạo của ngân hàng này khi động thái này đẩy đồng Euro tăng 0,3% so với đô la Mỹ, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020, đồng thời tạo đà tăng cho thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đánh giá, chương trình mua trái phiếu trên cũng giúp giảm bớt áp lực lên các nhà hoạch định chính sách Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh nền kinh tế này đang hứng chịu cơn suy thoái chưa từng có trong lịch sử. Bà Lagarde cho biết, GDP của EU có thể giảm 8,7% trong năm nay và dự báo tăng khoảng 5,2% trong năm tới, tuy nhiên chưa loại trừ khả năng suy thoái tiếp tục lún sâu.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua vào 1.350 tỷ EUR nợ chính phủ và doanh nghiệp cho đến tháng 6/2021, gần gấp đôi so với chương trình mua vào trái phiếu hiện hành. Bất ngờ hơn, các khoản nợ đáo hạn sẽ được chuyển đổi và mua vào theo chương trình mới, được gọi là Chương trình mua vào khẩn cấp đối phó đại dịch Covid-19 (PEPP) kéo dài đến cuối năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức -0,5 %.

EU tuần trước đề ra kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19 trị giá 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, Đức hôm 3/6 công bố gói hỗ trợ cắt giảm thuế hiếm hoi trị giá 130 tỷ EUR nhằm kích thích tiêu dùng và hoạt động kinh doanh thời Covid-19.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá các biện pháp mạnh tay nói trên vẫn không đủ xoa dịu tác động nặng nề của suy thoái kinh tế. Frederik Ducrozet, chuyên gia kinh tế của Công ty quản lý tài sản Pictet tại Geneva cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu cần tăng quy mô chương trình mua vào trái phiếu thêm 500 tỷ EUR ngay sau tháng 9 nếu muốn tiếp tục mua lại các khoản nợ của EU.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục