EU muốn tăng cường sản xuất chip do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang có kế hoạch tăng cường sản xuất chip để trở nên ít phụ thuộc hơn vào các công nghệ truyền thống được sản xuất bên ngoài EU.
EU muốn tăng cường sản xuất chip do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

Chất bán dẫn được sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử, từ máy tính xách tay, điện thoại di động đến cảm biến phanh trên ô tô. Tuy nhiên, hiện EU chỉ chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng chip này trên toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu thiếu chất bán dẫn cũng như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, EU tin rằng đã đến lúc cải thiện mảng kỹ thuật số của mình.

Ủy ban châu Âu cho biết, trong một văn bản gửi các nhà lập pháp hôm thứ Ba (9/3) rằng: “Mức tham vọng được đề xuất của chúng tôi là vào năm 2030, việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và bền vững ở châu Âu bao gồm bộ xử lý chiếm ít nhất 20% giá trị sản xuất chip của thế giới”.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với EU vào thời điểm nhiều nhà sản xuất đang phải đối mặt với sự chậm trễ và chi phí bổ sung khi phải vật lộn để có đủ chất bán dẫn để sản xuất ô tô. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nhu cầu đối với các thiết bị kỹ thuật số và gây căng thẳng cho việc cung cấp chip.

Ngoài ra, các quan chức châu Âu cũng muốn làm giảm bớt sự thống trị của các công ty Trung Quốc và Mỹ trong mảng công nghệ này. Các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay đều có trụ sở tại Mỹ hoặc Trung Quốc. Tương tự, các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất cũng là của Mỹ hoặc Trung Quốc.

“Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu sẽ không phải là người ngoài cuộc. Đã đến lúc chúng ta phải tự mình nắm lấy vận mệnh của mình”, Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội bộ cho biết.

“Điều này cũng có nghĩa là xác định và đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số sẽ củng cố chủ quyền và tương lai công nghiệp của chúng ta”, ông nói thêm.

Những nỗ lực mới nhất của châu Âu nhằm tuyên bố chủ quyền kỹ thuật số không phải là mới. Chiến lược này trước đó đã được thảo luận trong vài năm nay khi mối quan tâm ngày càng tăng về sự an toàn của dữ liệu của công dân châu Âu. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12/2019, một nhóm ở Brussels, thủ đô của Bỉ đã tập trung vào việc thúc đẩy các quốc gia thành viên từ đàm phán biến thành hành động.

Do đó, các kế hoạch được vạch ra hôm thứ Ba (9/3) cũng đề xuất rằng “tất cả các hộ gia đình ở châu Âu sẽ được phủ sóng bởi mạng Gigabit, tất cả các khu vực đông dân cư đều được phủ sóng 5G”.

“Đại dịch đã cho thấy các kỹ năng và công nghệ kỹ thuật số quan trọng như thế nào để làm việc, học tập và tham gia, cũng như nơi chúng ta cần để trở nên tốt hơn. Bây giờ chúng ta phải thực hiện thập kỷ kỹ thuật số của châu Âu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục