Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 1/3 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp loại "giấy thông hành xanh" về tiêm chủng vắcxin từ tháng 3 này, trong bối cảnh khối đang nỗ lực tăng cường miễn dịch cộng đồng đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên mạng Twitter, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: "Trong tháng này, chúng tôi sẽ trình một đề xuất luật về Giấy thông hành Xanh kỹ thuật số".
Theo Chủ tịch EC, loại giấy tờ này sẽ là bằng chứng về việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cũng như kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giấy thông hành sẽ cho phép người dân được di chuyển an toàn trong EU hoặc ra ngoài EU để làm việc và du lịch.
Trong một diễn biến khác, tại một cuộc họp với các nghị sỹ Đức và EU, bà Ursula von der Leyen cho biết EC sẽ tìm cách tạo một cơ chế kỹ thuật để chứng nhận tiêm chủng dưới dạng kỹ thuật số, dựa trên thông tin tương đương ở tất cả 27 nước thành viên. Trước đó, Chủ tịch EC khẳng định các loại chứng chỉ tiêm chủng sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của EU.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Margarittes Schinas cho biết dự luật của EC sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17/3 tới, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ngày 25/3.
Khái niệm "giấy thông hành xanh" của EU giống như loại giấy tờ đang được Israel sử dụng. Đó là một loại chứng nhận bằng giấy hoặc bằng bản mềm trên điện thoại, cho phép chủ nhân của giấy tờ này được vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể thao và nhà hàng.
Tuy nhiên, EU vẫn đang tranh cãi về việc loại giấy tờ này sẽ được sử dụng như thế nào trong khối. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp hay các nhóm vận động hành lang ngành hàng không đều muốn tài liệu này được coi như "hộ chiếu vắcxin", cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly.
Mặc dù vậy, hầu hết các nước EU, dẫn đầu là Pháp và Đức, lại cho rằng việc cung cấp chứng nhận tiêm chủng là quá sớm khi tỷ lệ dân số châu Âu được tiêm là rất ít, trong khi các loại vắcxin được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm hai liều mới hiệu quả. Các nước này lo ngại nếu coi đó là một tấm "hộ chiếu vắcxin" thì đa phần người dân đang chờ đến lượt tiêm phòng sẽ tiếp tục bị hạn chế hoạt động.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phản đối ý tưởng cấp "hộ chiếu vắcxin", cho rằng loại hộ chiếu này là "vô nghĩa" và "phản châu Âu" vì chúng sẽ gây ra sự phân biệt đối xử.