EU đồng ý nới lỏng các quy định tài trợ để giảm nợ và tăng cường đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Bảy (10/2), các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm giảm bớt các quy định tài chính nghiêm ngặt của khối, giúp chính phủ có thêm thời gian để giảm nợ cũng như khuyến khích thúc đẩy đầu tư công vào khí hậu, chính sách công nghiệp và an ninh.
EU đồng ý nới lỏng các quy định tài trợ để giảm nợ và tăng cường đầu tư

Bản sửa đổi mới nhất của các quy tắc của Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được đưa ra sau khi một số quốc gia thành viên EU phải gánh khoản nợ cao kỷ lục khi họ tăng chi tiêu để giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và khi khối công bố các các mục tiêu xanh, công nghiệp và quốc phòng đầy tham vọng.

Các quy định mới đặt ra các mục tiêu thâm hụt và giảm nợ tối thiểu nhưng những mục tiêu này ít tham vọng hơn so với các số liệu trước đó.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Valdis Dombrovskis cho biết: “Vào thời điểm có thách thức kinh tế và địa chính trị đáng kể, các quy định mới sẽ cho phép chúng tôi giải quyết thực tế mới ngày nay và mang lại cho các quốc gia thành viên EU sự rõ ràng cũng như khả năng dự đoán về chính sách tài khóa của họ trong những năm tới”.

“Những quy định này sẽ cải thiện tính bền vững của tài chính công và thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách khuyến khích đầu tư và cải cách”, ông cho biết

Bình luận về thỏa thuận này, thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) Margarida Marques cho biết: "Với cách tiếp cận từng trường hợp và trung hạn, cùng với việc tăng quyền sở hữu, các quốc gia thành viên sẽ được trang bị tốt hơn để ngăn chặn các chính sách thắt lưng buộc bụng”.

Các quy tắc sửa đổi cho phép các quốc gia vay nợ quá mức có thể giảm nợ trung bình 1% mỗi năm nếu tỷ lệ này trên 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và trung bình 0,5% mỗi năm nếu khoản nợ nằm trong khoảng từ 60% đến 90% GDP.

Các quốc gia có mức thâm hụt trên 3% GDP được yêu cầu giảm một nửa xuống còn 1,5% trong thời kỳ tăng trưởng, tạo ra vùng đệm an toàn cho những thời điểm khó khăn phía trước.

Chi tiêu quốc phòng sẽ được tính đến khi Ủy ban châu Âu đánh giá mức thâm hụt cao của một quốc gia, nguyên nhân được cân nhắc do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Các quy định mới sẽ cho các quốc gia 7 năm, tăng so với 4 năm trước đó để cắt giảm nợ và thâm hụt bắt đầu từ năm 2025.

Tuy nhiên, một quốc gia thành viên có nợ quá mức sẽ không bị buộc phải giảm tỷ lệ này xuống dưới 60% vào cuối thời hạn 7 năm, miễn là nó đang trên đà đi xuống hợp lý.

Các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ cần chính thức xác nhận thỏa thuận sơ bộ mà các nhà đàm phán đạt được vào thứ Bảy (10/2) trước khi thoả thuận có thể có hiệu lực vào năm tới.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục