Ngày 20/9, Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh việc Mỹ tuyên bố sẽ mở cửa trở lại đối với du khách châu Âu đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 11, nới lỏng những hạn chế được áp đặt từ đầu năm ngoái.
Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Ủy ban châu Âu cho biết quyết định của Mỹ là "một động thái được mong đợi từ lâu đối với các gia đình và bạn bè bị chia cách, cũng như tin tốt lành cho doanh nghiệp."
Chính phủ các nước EU hồi cuối thángTám đã nhất trí loại bỏ Mỹ ra khỏi danh sách đi lại an toàn của EU do sự gia tăng số ca mắc COVID-19, đồng nghĩa với việc du khách Mỹ có khả năng phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly.
EU vẫn cho phép nhập cảnh phần lớn du khách ngoài khối đã tiêm vaccine đầy đủ, mặc dù xét nghiệm và thời gian cách ly có thể vẫn được áp dụng, tùy thuộc vào quốc gia điểm đến trong EU.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang ở thăm Mỹ, đã viết trên mạng xã hội rằng ông "vui mừng" và hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng "đây là một sự thúc đẩy tuyệt vời cho doanh nghiệp và thương mại, cũng như tin vui cho gia đình và bạn bè ở hai bờ (Đại Tây Dương) có thể được tái ngộ."
Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng hàng không Air France-KLM Benjamin Smith cho rằng quyết định của Washington là một thông tin tốt lành, đồng thời khẳng định hãng sẽ gia tăng công suất để đáp ứng nhu cầu.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh động thái mới của Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với người dân Liên minh châu ÂU (EU).
Ông cho rằng đây là một tin tuyệt vời đối với các nhà đầu tư của Đức và EU, các nhà xuất khẩu và với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Ông Scholz cũng là Bộ trưởng Tài chính và là một trong các ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc tổng tuyển cử Đức vào cuối tuần này.
Trước đó, cùng ngày, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách ứng phó với dịch COVID-19 Jeff Zients thông báo từ đầu tháng 11 tới, Mỹ sẽ mở cửa trở lại đối với du khách đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và nhiều nước châu Âu khác qua đường hàng không.
Theo ông Zients, tháng 11 là mốc hợp lý để các hãng hàng không có đủ thời gian chuẩn bị.
Ông nhấn mạnh các quy định mới sẽ yêu cầu mọi công dân nước ngoài đến Mỹ phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng đầy đủ.
Mỹ hiện cấm hầu hết các du khách không phải công dân Mỹ trong vòng 14 ngày từng đến Anh, 26 quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil.