EU, Anh "chạy đua" để đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit

0:00 / 0:00
0:00
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh hai bên còn rất nhiều công việc cần hoàn thành thỏa thuận hậu Brexit nếu muốn vượt qua những khác biệt căn bản trong khi thời gian còn lại là rất ít ỏi.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost (trái) và người đồng cấp EU Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN). Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của Anh David Frost (trái) và người đồng cấp EU Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại vào phút chót khi mà chỉ còn chưa đến 10 tuần nữa là Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ngày 27/10, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier, và người đồng cấp phía Anh David Frost đã nối lại đàm phán tại London.

Đánh giá về lần đàm phán này, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết giới chức thương mại hai bên đang tham gia một cách tích cực nhằm đạt được một thỏa thuận về quan hệ song phương trong tương lai trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Dự kiến, các phái đoàn đàm phán của EU và Anh sẽ nhóm họp tại London cho đến ngày 28/10, sau đó các cuộc hội đàm sẽ được tiếp tục tại Brussels.

Trong khi đó, trước thềm vòng đàm phán này, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh hai bên còn rất nhiều công việc cần hoàn thành nếu muốn vượt qua những khác biệt căn bản trong quan điểm đối với những lĩnh vực khó khăn nhất về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, trong khi thời gian còn lại là rất ít ỏi.

Anh rời EU vào tháng 1/2020 và bước vào giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng. Hiện cả hai đang nỗ lực ký kết một thỏa thuận nhằm kiểm soát kim ngạch song phương gần 1.000 tỷ USD mỗi năm trước thời hạn chót là 31/12/2020 - đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Qua nhiều vòng thương lượng, cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thỏa thuận trong giai đoạn hậu Brexit vẫn vướng mắc trong một loạt vấn đề chính như quyền đánh bắt cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và cạnh tranh công bằng.

Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục