ETF và các câu hỏi từ thị trường

(ĐTCK) Với ETF, trạng thái âm tài khoản có thể xảy ra với nhà tạo lập thị trường, nên cần sớm ban hành cơ chế này và quy định cho vay chứng khoán.
ETF và các câu hỏi từ thị trường

Chiều 12/10, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã phối hợp với Câu lạc bộ Quản lý quỹ Việt Nam tổ chức Hội thảo sản phẩm ETF, dự kiến triển khai từ năm 2013. Sản phẩm này nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đóng góp của đông đảo công ty quản lý quỹ và CTCK.

 

ETF là “vitamin tổng hợp”

Ngoài sự có mặt và tham gia thuyết trình của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), HOSE, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, hội thảo đã thu hút đông đảo các công ty quản lý quỹ và CTCK tham gia. Sự quan tâm của khối công ty quản lý quỹ đến sản phẩm ETF là tất yếu, vì đây là sản phẩm tài chính tiên tiến của ngành công nghiệp quản lý quỹ. Nhiều CTCK như CTCK Sài Gòn, CTCK TP. HCM, CTCK Bảo Việt, CTCK KimEng… cũng cử đại diện tham dự.

Đại diện Câu lạc bộ Quản lý quỹ cho biết, những năm gần đây, ở các thị trường tài chính phát triển, sản phẩm ETF có sự tăng trưởng mạnh. Tại TTCK Việt Nam , các sản phẩm tài chính chưa đa dạng, vì vậy, nỗ lực triển khai ETF được Câu lạc bộ ủng hộ và đánh giá cao.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC ví von, nếu xem CTCK như cơ thể người, thì hiện thời để đủ nhu cầu vitamin, CTCK phải ăn rau xanh và trái cây. Nhưng khi ETF được đưa vào sử dụng, thì công ty giống như được uống một viên vitamin tổng hợp, tiện dụng và cung cấp đủ dưỡng chất.

Là đại diện duy nhất của khối CTCK tham gia thuyết trình tại hội thảo, ông Giang đánh giá, sản phẩm ETF sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu của giới đầu tư hiện nay. Với các định chế tài chính như CTCK, ETF là sản phẩm giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng như giảm tác động giá cả khi giao dịch lô lớn, bảo vệ danh mục đầu tư lớn, hạn chế giới hạn của “room” 49% dành cho khối NĐT nước ngoài…

 ETF và các câu hỏi từ thị trường ảnh 1

ETF giúp giảm tác động giá khi giao dịch lô lớn

“Nóng” nhất là vấn đề vay mượn chứng khoán

Nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi sau phần thuyết trình của cơ quan quản lý, nhằm đưa sản phẩm ETF sớm triển khai và khi đưa vào vận hành phù hợp với đặc thù của TTCK Việt Nam .

Theo dự thảo Thông tư về ETF, việc tham gia góp vốn thành lập quỹ ETF của các thành viên lập quỹ, NĐT được thực hiện bằng danh mục chứng khoán cơ cấu. Trường hợp NĐT sử dụng các tài sản không phải là chứng khoán cơ cấu để tham gia góp vốn thành lập quỹ, thì thành viên lập quỹ yêu cầu NĐT hoặc thực hiện bán thanh lý các tài sản này theo ủy quyền bằng văn bản của NĐT, để mua danh mục cơ cấu góp vào quỹ.

Bà Lê Yến Quỳnh, Giám đốc nghiệp vụ của Dragon Capital kiến nghị, không nên có quy định cho NĐT góp vốn bằng tài sản khác nằm ngoài danh mục cơ cấu. Bởi lẽ, việc này dẫn tới việc bán tài sản cũ để mua tài sản trong danh mục tái cơ cấu, có thể tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa thành viên lập quỹ và NĐT, gây cản trở cho hoạt động thông suốt của ETF.

Theo bà Quỳnh, không loại trừ khả năng thành viên lập quỹ cố tình không giao dịch dựa trên quyền lợi cao nhất của NĐT. Do đó, nên để NĐT tự quyết định và tất toán khoản đầu tư của mình để có vốn tham gia ETF.

Một trong những nội dung “nóng” nhất được trao đổi qua lại giữa các thành viên thị trường và nhà quản lý là vấn đề vay mượn chứng khoán. Dự thảo Thông tư về ETF cho phép thành viên lập quỹ được vay chứng khoán trong danh mục cơ cấu để thành lập quỹ, hoán đổi lấy các lô đơn vị quỹ ETF, hoặc vay các lô đơn vị quỹ ETF để bán trên hệ thống. Tuy nhiên, thực tế thì ở Việt Nam chưa có nhiều định chế tài chính lớn, nắm nhiều cổ phiếu, sẵn sàng cung ứng dịch vụ cho vay. Mặt khác, cũng cần thêm hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay. Một đề xuất đáng chú ý là cho phép CTCK vay trực tiếp chứng khoán của khách hàng, vì hơn ai hết, các CTCK thông tỏ số cổ phiếu khách hàng đang có, thay vì phải vay mượn qua Trung tâm Lưu ký.

Ông Phạm Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc CTCK SSI nhận xét, về bản chất, quỹ ETF cũng có nhiều đặc điểm giống quỹ mở, nhưng ưu việt hơn. Mới đây, hành lang pháp lý cho quỹ mở đã có và sắp tới hình thành nên khung pháp lý cho hoạt động của ETF. Cơ quan quản lý nên cân nhắc các yếu tố để các sản phẩm tài chính phát triển cân đối, không cạnh tranh triệt tiêu nhau. Mặt khác, với sản phẩm ETF, trạng thái âm tài khoản có thể xảy ra với nhà tạo lập thị trường, nên cần sớm ban hành cơ chế này và quy định cho vay chứng khoán.

Trong phần góp ý của mình, ông Giang cho biết, bên cạnh việc ban hành một bộ chỉ số chuẩn cho các ETF, thì cần nâng cao thanh khoản cho thị trường. Việc có thể làm ngay là cho phép giao dịch hai chiều trong ngày, cho phép vay mượn chứng khoán, đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các DN lớn. Xa hơn, có thể tạo ra các giao dịch tương lai (future) tương ứng với ETF, cho phép giao dịch ETF gắn với vàng…

Lam Bình
Lam Bình

Tin cùng chuyên mục