ETF, kẻ phá bĩnh thị trường

(ĐTCK) Tuần qua, sự vận động khéo léo và khá tinh tế của từng mã cổ phiếu giúp cho TTCK trở nên đầy quyến rũ và hấp dẫn.
Nhiều cổ phiếu liên tục tạo ra những nhịp tăng, nghỉ uyển chuyển, nhịp nhàng vừa đủ để ai muốn bán ra hay ai muốn mua vào đều toại nguyện.

Trong khi đó, xét về tổng thể của thị trường thì các nhóm cổ phiếu cũng có diễn biến tương tự. Cứ nhóm này nghỉ thì nhóm khác lại tăng, vì thế mà cả hai chỉ số vẫn cứ liên tục tăng điểm không ngừng nghỉ.

Chỉ số VN-Index tạo nên một kỷ lục với 11 phiên tăng điểm liên tiếp và chính thức vượt qua ngưỡng 533,15 điểm một cách nhẹ nhàng. Điều đó khiến những nhà đầu tư rời cuộc chơi sớm bắt đầu thấy nóng ruột, xôn xao và muốn quay lại.

Nhiều người nấn ná chờ cú điều chỉnh diện rộng trên thị trường để mua, nhưng điều đó khó xảy ra vào thời điểm này, bởi nhịp điều chỉnh đã luôn xuất hiện ngay trong từng phiên giao dịch. 

Tuy nhiên, khi thị trường đang ngày càng hấp dẫn thì khối ngoại lại tạo ra một sự “phá bĩnh” ở phiên cuối tuần.

Việc các quỹ ETF hút được lượng lớn tiền giúp họ mua mạnh các mã blue-chip, kể cả MSN, VIC, STB, BVH... Vì thế, không quá ngạc nhiên khi chỉ số VN-Index tăng mạnh và bứt khỏi vùng 530 điểm một khoảng khá lớn. Nhưng điều đáng nói lại là tác động ngược từ sự kiện này hơn là mang đến sự tích cực cho tâm lý nhà đầu tư.

Trong tâm lý muốn nghỉ Tết, hạn chế sử dụng đòn bẩy thì việc chỉ số VN-Index tăng mạnh như vậy đã giúp họ quyết đoán hơn trong việc bán ra.

Câu hỏi của không ít nhà đầu tư là kịch bản nào sẽ xảy ra trên thị trường trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Quý Tỵ này?

Với thanh khoản ở mức tốt, trung bình đạt 97,4 triệu đơn vị/phiên/HOSE và 57,5 triệu đơn vị/phiên/HNX cho thấy cầu mua cũng không phải ít. Nhưng dự báo là điều khó, bởi nếu như các quỹ ETF tiếp tục có thêm tiền thì họ sẽ vẫn tiếp tục mua vào như phiên 17/1, và vì thế, chỉ số còn tiếp tục tăng. Nhưng về bản chất, chỉ số HNX-Index đang phản ánh đúng tâm lý và diễn biến thị trường hơn là chỉ số VN-Index. Với hai ngày nghỉ cuối tuần, nhà đầu tư sẽ bình tĩnh và cẩn trọng xem xét một cách kỹ càng để có cái nhìn đúng với thị trường.

Những diễn biến của phiên 17/1 cộng với áp lực tài chính sẽ khiến cho thị trường chịu áp lực bán trong 3 ngày đầu tiên tuần mới. Đây là một điểm không thể không nhắc đến trong tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Tết. Rõ ràng, 9 ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian dài, trong khi đó các TTCK và hoạt động kinh tế trên thế giới vẫn không ngừng nghỉ. Nếu như diễn biến xấu là các quỹ ETF bị rút tiền ra trong những ngày này thì họ tất yếu sẽ chịu áp lực bán khi bước sang năm mới. Do vậy, để đảm bảo sự an toàn thì nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ lựa chọn phương án bán một phần.

Theo như tính toán thì áp lực đó sẽ hết vào phiên thứ Tư (22/1), tức là thị trường sẽ chịu áp lực này 3 ngày đầu tuần. Thực tế thì nó đã và đang diễn ra rất quyết liệt ở nhiều cổ phiếu: SD9, SD7, GGG, SHN...

Nếu như diễn biến của 3 phiên này tốt, áp lực bán không quá lớn hay lực cầu đủ mạnh để tiếp tục hấp thụ lực bán thì việc giải ngân là điều nên được thực hiện. Khi đó, những ngày giao dịch cuối cùng có thể sẽ mang đến cho nhà đầu tư một cái Tết đầy ấm cúng mà bao lâu nay họ vẫn mong chờ. Chúng tôi nghiêng về kịch bản lạc quan, và vẫn kỳ vọng vào việc thị trường sẽ tiếp tục một nhịp tăng mới.

Sự kiện cổ phiếu BIDV lên sàn cũng là điều đáng để nói rất nhiều, bởi cổ phiếu này đã trì hoãn khá lâu việc niêm yết cũng những biến động mạnh trong ngành tài chính - ngân hàng thời gian qua. Sóng ngân hàng đã nổi, nhưng chưa rõ nét và liệu nó có kéo dài đủ đến ngày cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam lên sàn hay không thì vẫn là một câu hỏi ngỏ

Bài viết của CTCK IVS và chỉ mang tính tham khảo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục