ECB kỳ vọng vào AI để hiểu rõ hơn về lạm phát sau những sai lầm lớn

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, đang xem xét làm thế nào mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp cải thiện sự hiểu biết về lạm phát sau khi đánh giá thấp áp lực giá cả trong nhiều năm và trì hoãn việc bắt đầu chính sách thắt chặt mạnh mẽ nhất trong lịch sử.
ECB kỳ vọng vào AI để hiểu rõ hơn về lạm phát sau những sai lầm lớn

Tham gia cùng đông đảo các công ty đã sử dụng AI, ECB hiện đang khám phá các cách xử lý và phân tích hàng triệu điểm dữ liệu, bao gồm dữ liệu giá công khai, số liệu thống kê của công ty, các bài báo và tài liệu giám sát ngân hàng để đưa ra phân tích tốt hơn cho các quyết định chính sách.

“AI cung cấp những cách mới để chúng tôi thu thập, làm sạch, phân tích và giải thích lượng dữ liệu sẵn có phong phú này để những hiểu biết sâu sắc có thể cung cấp cho công việc của các lĩnh vực như thống kê, quản lý rủi ro, giám sát ngân hàng và phân tích chính sách tiền tệ”, một bài đăng trên blog được ECB đăng tải vào thứ Năm (28/9) cho biết.

ECB trong nhiều năm đã đánh giá thấp lạm phát và một số nhà hoạch định chính sách đã công khai đặt câu hỏi về các mô hình của ngân hàng trung ương cũng như khả năng tồn tại của chính sách hợp lý dựa trên những con số đòi hỏi phải điều chỉnh tăng liên tục.

Trong số một số sáng kiến AI, ECB muốn hiểu sâu hơn về hành vi định giá và động lực lạm phát.

Bằng cách sử dụng tính năng quét web, ECB có thể thu thập khối lượng lớn dữ liệu giá theo thời gian thực nhưng các số liệu này không có cấu trúc và không phù hợp để tính toán lạm phát. Vì vậy, ECB muốn khai thác AI để cấu trúc dữ liệu và cải thiện khả năng phân tích của mình.

Một sáng kiến khác là tự động hóa quy trình phân loại dữ liệu từ hàng chục triệu công ty, ngân hàng và tổ chức khu vực công để hiểu rõ hơn về tình trạng tài chính của những tổ chức này.

ECB cũng kỳ vọng sử dụng AI để đơn giản hóa hoạt động giao tiếp của mình, chống lại những lời chỉ trích cho rằng ngôn ngữ kỹ thuật quá phức tạp của ngân hàng trung ương khiến người bình thường không thể nắm bắt được.

“Mô hình ngôn ngữ lớn cũng có thể giúp cải thiện văn bản do các nhà hoạch định chính sách thực hiện, giúp công chúng dễ hiểu thông tin liên lạc của ECB hơn. Ngoài ra, chúng tôi đã sử dụng các bản dịch mạng nơron thần kinh nhân tạo trong một thời gian để giúp chúng tôi giao tiếp với công dân châu Âu bằng tiếng mẹ đẻ”, ECB cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục