Anna Pesch, một người thuê nhà trong nhiều năm đã quyết định mua 1 căn nhà 3 phòng ngủ gần TP. Cologne (Đức) trong tháng qua. Pesch có ý định tìm kiếm để sở hữu 1 căn nhà riêng của mình khi ECB quyết định giảm lãi suất về mức 0%.
“Chúng tôi không muốn dùng tiền của mình để tiếp tục đi thuê nhà nữa. Chúng tôi thích đầu tư, đặc biệt là khi giá bất động sản tăng đáng kể”, Pesch nói.
Trong nhiều thập kỷ qua, người Đức thường thích sống trong những căn hộ đi thuê và dành tiền mặt gửi ngân hàng, nhưng thói quen này đã bị phá vỡ khi ECB đưa lãi suất về 0%. Chính sách cho vay thế chấp với lãi suất thấp kỷ lục dành cho những tài khoản có thu nhập ổn định, đã kích thích người dân Đức mạnh dạn đầu tư vào bất động sản.
Trong 5 năm qua, giá nhà ở tại Berlin, Hamburg và Munich tăng hơn 30% và nó kích thích người dân Đức rút tiền khỏi ngân hàng để đổ vào bất động sản.
Ông Andreas Dombret, thành viên HĐQT Ngân hàng Bundesbank cho biết, ông nhìn thấy “những đám mây đen tích tụ trên bầu trời u ám” sau quyết định của ECB.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, người đã chỉ trích chính sách của ECB cũng cho rằng, chính sách này có thể dẫn đến “sự hình thành của bong bóng nhà đất” và đã kêu gọi các quy định mới để ngăn chặn “tình trạng tín dụng quá nóng” trong thị trường bất động sản.
Bất động sản Đức bắt đầu tăng từ năm 2005 sau 1 thập kỷ trì trệ nhờ sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tạo ra nhiều việc và tiền lương tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu bất động sản gia tăng giai đoạn này còn do có sự thay đổi về nhân khẩu học, khi làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị gia tăng. Bên cạnh đó còn do dòng người di cư từ các nước Trung Đông và châu Phi, khiến cho thị trường bất động sản nóng hơn, nhất là ở các thành phố lớn như Berlin và Frankfurt.
Nhu cầu tăng cao đã kích thích hàng loạt nhà phát triển bất động sản nhảy vào cuộc đua xây dựng dự án bất động sản, khiến nguồn cung tăng cao, với khoảng 350.000 ngôi nhà mới đã được tung ra thị trường mỗi năm.
“Trong lịch sử Đức chưa từng xuất hiện bong bóng bất động sản, nhưng không thể loại trừ nó sẽ không xảy ra trong tương lai”, Jochen Moebert, nhà kinh tế tại Deutsche Bank nói và cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, giá nhà tăng do lãi suất thấp và thiếu nguồn cung, chứ chưa phải là giá nhà tăng bắt kịp với mức tiền lương (mức so sánh để xem giá bất động sản 1 quốc gia có đắt hay không).
Dù có những lo ngại, nhưng thị trường địa ốc của Đức vẫn còn cách rất xa so với sự bùng nổ của thị trường bất động sản Mỹ, Tây Ban Nha và Anh Quốc. Ngoài ra, cũng mới chỉ có 53% số gia đình người Đức sở hữu nhà riêng, trong khi mức trung bình của châu Âu là 70% và của Mỹ là 64%.
Sự bùng nổ của thị trường bất động sản không chỉ khiến các nhà phát triển bất động sản ăn nên làm ra, mà còn khiến cho nhiều thành viên thị trường khác mừng ra mặt.
Andre Adami, nhà phân tích thuộc trung tâm nghiên cứu bất động sản tại thị trường Bulwiengesa cho biết, giá nhà đất của Đức đã tăng 27% trong 5 năm qua và các nhà phát triển địa ốc đang chạy “hết công suất”. Trong khi đó, các đại lý bất động sản đang có mùa bội thu cao. “Tôi thấy hài lòng trước tình trạng tuyệt vời này”, Adami chia sẻ.
Các các trang web về rao vặt cũng dày đặc các hình ảnh quảng cáo mua, bán bất động sản, đủ mọi phân khúc, từ căn nhà bình dân, tới các căn hộ cao cấp, biệt thự… Trong khi đó, các kiến trúc sư nổi tiếng như Daniel Libeskind và Frank Gehry thì cực kỳ đắt hàng.
Theo Hiệp hội Bất động sản châu Âu, sự bùng nổ của thị trường nhà đất Đức đang thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây, cũng như giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Đức tăng vọt. Năm ngoái, cổ phiếu của Vonovia SE, công ty bất động sản lớn nhất của Đức đã lọt vào chỉ số DAX 30 cùng với cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia như Daimler AG, Bayer AG, và SAP SE.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com