Ngày 4/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bà Lagarde cho rằng những dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi sau sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa vẫn còn mờ nhạt.
Theo người đứng đầu ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh 8,7% trong năm 2020.
Bà Lagarde đánh giá trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại, những dấu hiệu của suy thoái hiện đã không còn. Tuy nhiên, hoạt động phục hồi lại khá yếu ớt so với mức giảm mạnh của các chỉ số kinh tế trong những tháng trước đó.
ECB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm ở mức kỷ lục trong quý 2/2020 trước khi phục hồi trở lại.
Theo bà Lagarde, mức độ suy thoái của Eurozone trong năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào thời gian áp dụng và mức độ hiệu quả của các biện pháp hạn chế cũng như những chính sách giảm nhẹ tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng.
ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm tới và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các chính phủ thành viên và ECB.
Về lạm phát, ECB cho rằng mục tiêu duy trì lạm phát dưới 2% vẫn rất xa vời do nhu cầu tiêu dùng yếu và giá năng lượng thấp. Ảnh hưởng của đại dịch được cho là sẽ khiến lạm phát chỉ giảm ở mức 0,3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,1%.
Dự báo giá hàng hóa sẽ tăng tới 0,8% trong năm 2021 và 1,3% trong năm 2022. Về trung hạn, nhu cầu suy yếu sẽ tạo áp lực khiến lạm phát giảm theo.